Chính trị - Xã hội

Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Cần thiết, hợp lý

Lê Trà My 23/07/2025 02:09

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh thể hiện sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý, góp phần chia sẻ gánh nặng với người lao động trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao và kinh tế nhiều biến động.

Bộ Tài chính vừa trình dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Trong đó, phương án 2 được đánh giá là “mức cao” đề xuất nâng giảm trừ cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng, và 6,2 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần điều chỉnh đầu tiên sau 6 năm, một khoảng thời gian mà thu nhập, chi tiêu và đặc biệt là chi phí sinh hoạt của người dân đã thay đổi rất lớn.

4 (3)
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân là một bước đi đúng đắn, hợp lý. Ảnh: Thanh Tân

Lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao

Từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh được cố định ở mức 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Tuy nhiên, trong suốt 6 năm ấy, lạm phát tích lũy, đặc biệt là giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, y tế, giáo dục… đã tăng đáng kể.

Thử nhìn lại thực tế đời sống đô thị ngày nay, một cá nhân độc thân với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, sau khi khấu trừ các khoản chi cơ bản như tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, liên lạc, bảo hiểm, học tập, gần như không còn khoản tiết kiệm đáng kể. Trong khi đó, nếu người đó còn đang gánh trên vai trách nhiệm nuôi con nhỏ hoặc phụng dưỡng cha mẹ già, thì 11 triệu đồng thu nhập được coi là “miễn thuế” đã không còn phản ánh đúng sức mua thực tế.

Bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị toàn cầu, và các cú sốc giá cả đã khiến mặt bằng chi phí sinh hoạt “trượt giá” mạnh. Trong khi đó, nếu ngưỡng giảm trừ gia cảnh vẫn “giậm chân tại chỗ”, thì người dân càng phải nộp thuế trên phần thu nhập đáng lẽ chỉ đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu. Nói cách khác, chính sách thuế đã vô hình trung đánh thuế vào cái nghèo.

Nhìn rộng hơn để thấy một cá nhân sống trong xã hội hiện đại không chỉ tiêu dùng để duy trì sự sống, mà còn để phát triển bản thân và duy trì các mối quan hệ cộng đồng. Từ việc học tập nâng cao kỹ năng, mua sắm công cụ làm việc, đến việc tham gia các hoạt động xã hội, lễ Tết, hiếu hỉ... tất cả đều là chi phí “ẩn” nhưng không thể thiếu. Đó cũng là phần bản sắc văn hóa của người Việt, nơi mà mỗi cá nhân không tồn tại biệt lập, mà gắn bó mật thiết với gia đình, làng xóm, cộng đồng.

Chưa kể, những khoản chi lớn nhất với người lao động hiện nay đến từ chi phí giáo dục và y tế. Việc nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, trong bối cảnh “tư nhân hóa” giáo dục ngày càng rõ rệt, đòi hỏi một khoản tài chính không hề nhỏ. Đối với người già, chi phí thuốc men, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Trong khi đó, mức giảm trừ cho người phụ thuộc vẫn là 4,4 triệu đồng/tháng, một con số rõ ràng đã “hết hạn sử dụng”.

Cần một cơ chế điều chỉnh linh hoạt và kịp thời hơn

Có ý kiến lo ngại việc tăng mức giảm trừ sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng giảm thu ngân sách ngắn hạn có thể mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội dài hạn. Khi người lao động được giảm gánh nặng thuế, họ có điều kiện chi tiêu, đầu tư cho giáo dục, cải thiện chất lượng sống. Điều này không chỉ kích thích tiêu dùng, một động lực tăng trưởng quan trọng, mà còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Mặt khác, điều chỉnh mức giảm trừ phù hợp còn giúp nâng cao tính tuân thủ thuế. Khi người dân cảm nhận được sự công bằng, họ sẽ sẵn sàng hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế một cách trung thực, đầy đủ. Hệ thống thuế sẽ minh bạch và hiệu quả hơn, thay vì tạo ra tâm lý “né thuế”, “lách luật” như hiện nay.

Điều đáng nói là, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thời gian qua thường mang tính “giật lùi” và thiếu cơ chế cập nhật định kỳ theo biến động giá cả. Nhiều nước đã áp dụng phương pháp điều chỉnh ngưỡng thuế tự động theo CPI (Chỉ số giá tiêu dùng), bảo đảm tính linh hoạt và bắt kịp với diễn biến thực tế. Đây là điều Việt Nam cần học hỏi để tránh lặp lại tình trạng “trượt giá giảm trừ”, gây thiệt thòi cho người nộp thuế.

Đề xuất của Bộ Tài chính về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân là một bước đi đúng đắn, hợp lý và mang tính nhân văn trong bối cảnh hiện nay. Nó không chỉ phản ánh đúng thực tế chi tiêu của người dân, mà còn thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người lao động trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, biến động.

Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả lâu dài, cần thiết phải xây dựng cơ chế điều chỉnh định kỳ, gắn với biến động kinh tế vĩ mô. Từ đó, chính sách thuế không còn là một gánh nặng, mà là đòn bẩy hỗ trợ phát triển con người và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Cần thiết, hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO