Chính trị - Xã hội

Đề xuất tăng giảm trừ gia cảnh: Người nộp thuế sẽ “nhẹ gánh” từ 2026

Bảo Lam 21/07/2025 14:29

Mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân có thể tăng lên đáng kể từ năm 2026, theo đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ cho người nộp thuế tăng lên 13,3–15,5 triệu đồng/tháng, trong khi người phụ thuộc được nâng lên 5,3–6,2 triệu đồng/tháng.

Nội dung này nằm trong dự thảo tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Tài chính vừa công bố, với thời gian áp dụng bắt đầu từ kỳ tính thuế năm 2026.

5 Các bạn trẻ hào hứng mua sắm tại GO!
Nếu được thông qua, mức giảm trừ mới sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

Đề xuất điều chỉnh được đưa ra trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giai đoạn 2020-2025 tăng 21,24%, vượt ngưỡng 20% - mức cần điều chỉnh theo quy định hiện hành tại Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Từ thực tế này, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét, lựa chọn.

Phương án 1, điều chỉnh theo tốc độ tăng CPI. Như vậy, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ từ 11 triệu lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Còn người phụ thuộc được nâng từ 4,4 triệu lên 5,3 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính đánh giá phương án này đúng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cuộc sống và mức trượt giá từ thời điểm điều chỉnh gần nhất.

Phương án 2, theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế dự kiến lên 15,5 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 6,2 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Tài chính, phương án này sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp ở mức cao hơn. Nếu thực hiện theo phương án này, ngân sách sẽ giảm thu, nhưng khi mức giảm trừ gia cảnh cao hơn thì nộp thuế ít đi, thu nhập khả dụng của người dân tăng lên. Qua đó, việc này sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội, và gián tiếp giúp tăng thu ngân sách từ các nguồn khác trong trung, dài hạn.

Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh theo hai phương án sẽ tăng thêm từ 2,3 đến 4,5 triệu đồng đối với người nộp thuế, và 0,9 đến 1,8 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc. Nếu được thông qua, mức giảm trừ mới sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột của ngân sách, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng (VAT).

Hiện mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020.

Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt tối thiểu 8%, thậm chí hướng tới hai con số trong điều kiện thuận lợi, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các chính sách tài khóa theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo thêm nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo đó, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ thu ngân sách không chỉ là yêu cầu cấp thiết về mặt tài chính, mà còn là đòn bẩy hỗ trợ phát triển kinh tế. Các giải pháp được triển khai quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm: từ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quản lý thuế đến tăng cường thu tại các khu vực kinh tế quan trọng như đất đai, bất động sản, thương mại điện tử và nền kinh tế số.

Đặc biệt, việc mở rộng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực như dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng theo chuỗi, kinh doanh xăng dầu, vàng… được xem là bước đi cụ thể nhằm hạn chế thất thu, tăng tính minh bạch và hiệu quả thu ngân sách.

Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong các hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, quản lý và xử lý nợ thuế. Cùng với đó là nâng cấp vận hành ổn định hệ thống hóa đơn điện tử và cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài – một kênh thu quan trọng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh xuyên biên giới đang bùng nổ.

Mục tiêu đặt ra là thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng khoảng 20% so với ước thực hiện năm 2024 – một con số đầy thách thức trong điều kiện nguồn thu truyền thống bị co hẹp do chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Để bù đắp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác thu và mở rộng cơ sở thuế.

Về chi ngân sách, tinh thần tiết kiệm, hiệu quả tiếp tục được quán triệt. Việc điều hành ngân sách sẽ theo hướng linh hoạt, chặt chẽ, sử dụng các nguồn lực hợp pháp như dự phòng, dự trữ để phục vụ các nhiệm vụ cấp bách như phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo cân đối ngân sách ở cả trung ương và địa phương.

Trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế năm 2025, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò “người dẫn dắt”, không chỉ đảm bảo an toàn tài chính công mà còn tạo lực đẩy mạnh mẽ cho các động lực tăng trưởng, đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi và bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất tăng giảm trừ gia cảnh: Người nộp thuế sẽ “nhẹ gánh” từ 2026
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO