Chính trị - Xã hội

Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh: Nâng bao nhiêu để theo kịp mức sống?

Lê Trà My 13/02/2025 01:45

Nếu mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời, ngày càng nhiều người lao động có thu nhập trung bình cũng bị xếp vào diện chịu thuế, dù thực tế đời sống không hề dư dả.

Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp ý kiến đóng góp về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, trong đó nhiều bộ, ngành và địa phương đều chung quan điểm: mức giảm trừ gia cảnh hiện hành không còn phù hợp với tình hình kinh tế và mức sống của người dân.

giamtrugiacanh.jpg
Việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh khiến không ít người rơi vào diện chịu thuế dù thực tế thu nhập không còn dư dả sau khi trừ đi các khoản chi tiêu thiết yếu. Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc được áp dụng từ năm 2020, khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 3.500 USD. Tuy nhiên, đến nay, con số này đã vượt 4.300 USD, lạm phát gia tăng, giá cả hàng hóa leo thang, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh khiến không ít người rơi vào diện chịu thuế dù thực tế thu nhập không còn dư dả sau khi trừ đi các khoản chi tiêu thiết yếu.

Điều đáng nói, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh mức giảm trừ gia cảnh phải được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến kinh tế, thay vì cố định suốt một giai đoạn dài. Các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có cơ chế điều chỉnh định kỳ dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc mức lương tối thiểu, nhằm bảo đảm công bằng cho người nộp thuế.

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh

Trước thực tế mức sống và thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trong những năm qua, đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN đang trở thành vấn đề nóng, nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh tương ứng với tốc độ tăng của mức lương cơ sở. Dẫn chứng từ năm 2013, khi mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng, mức giảm trừ đối với người nộp thuế được quy định là 9 triệu đồng/tháng. Đến nay, khi mức lương cơ sở đã tăng 2,03 lần, lên 2,34 triệu đồng, Hà Tĩnh đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 8 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc để đảm bảo tương quan hợp lý.

Cùng chung quan điểm, Bộ Quốc phòng cũng đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 17,3 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 6,9 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Bộ này nhấn mạnh, từ thời điểm áp dụng mức giảm trừ hiện hành (11 triệu đồng/tháng) vào cuối năm 2019, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,49 triệu lên 2,34 triệu đồng, tương đương mức tăng 57,05%. Do đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tỷ lệ tương ứng là cần thiết để đảm bảo công bằng thuế.

Những đề xuất này cho thấy một thực tế nếu mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời, ngày càng nhiều người lao động có thu nhập trung bình cũng bị xếp vào diện chịu thuế, dù thực tế đời sống không hề dư dả. Cơ chế thuế cần phải phản ánh đúng khả năng chi tiêu và mức sống thực tế của người dân, tránh tạo thêm gánh nặng tài chính, đặc biệt trong bối cảnh giá cả tiêu dùng và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Bên cạnh việc đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhiều ý kiến còn chỉ ra một bất cập lớn trong Luật Thuế TNCN hiện hành: điều kiện để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ được xem xét khi chỉ số CPI tăng 20%.

Trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam dao động khoảng 3-4%/năm, quy định này đồng nghĩa với việc phải mất ít nhất 5 năm mới có một lần điều chỉnh, trong khi giá cả sinh hoạt lại thay đổi từng năm. Điều này khiến người nộp thuế rơi vào tình trạng "đóng thuế theo chuẩn của quá khứ" - tức là mức thu nhập dù không thay đổi về mặt thực chất nhưng lại bị đánh thuế cao hơn do giá cả ngày càng đắt đỏ.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cơ chế điều chỉnh linh hoạt hơn. Chẳng hạn, Singapore, Nhật Bản hay Mỹ đều có chính sách cập nhật định kỳ mức giảm trừ gia cảnh theo biến động CPI hoặc mức lương tối thiểu, thay vì đặt một ngưỡng cố định như Việt Nam.

Nếu tiếp tục duy trì quy định CPI tăng 20% mới xem xét điều chỉnh, sẽ có nhiều giai đoạn mà mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp, khiến người lao động phải chịu thuế cao hơn một cách gián tiếp.

Quan điểm từ các chuyên gia

Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy – CEO khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, con số 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Huy, mức giảm trừ này được áp dụng trong nhiều năm mà không có sự điều chỉnh tương xứng với tốc độ tăng của chỉ số CPI và mức lương cơ sở. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt không ngừng leo thang, mức thu nhập khả dụng của người dân sau khi nộp thuế ngày càng bị thu hẹp. “Đây là một bất cập rõ ràng, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc tích lũy thu nhập, chi tiêu thiết yếu, thậm chí ảnh hưởng đến mức sống cơ bản,” ông Huy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) – đã chỉ ra một vấn đề cốt lõi trong cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh: việc chỉ dựa vào chỉ số CPI là chưa đủ.

Theo ông, CPI chỉ phản ánh mức độ biến động của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế nói chung, nhưng chưa thể hiện đầy đủ mức tăng của những mặt hàng thiết yếu mà người dân phải chi trả hằng ngày. Thực tế cho thấy, có nhiều thời điểm CPI tăng thấp nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, y tế, giáo dục vẫn leo thang, gây áp lực lớn lên đời sống của người lao động.

Do đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần có cách tiếp cận đa chiều, không chỉ dựa trên CPI mà còn phải tính đến mức tăng thu nhập bình quân của người dân.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Đại lý thuế và Tư vấn doanh nghiệp DVL cho rằng, nếu mức giảm trừ gia cảnh được nâng từ 15,4 triệu đồng lên 26 triệu đồng (bao gồm cả người nộp thuế và người phụ thuộc), người lao động sẽ được hưởng lợi đáng kể. Khi đó, số thu nhập tính thuế của cá nhân sẽ giảm, đồng nghĩa với việc số thuế phải nộp cũng giảm theo.

Thực tế cho thấy, đối với nhóm người làm công ăn lương, thuế thu nhập cá nhân là một khoản khấu trừ cố định hàng tháng, tác động trực tiếp đến thu nhập khả dụng của họ. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt liên tục leo thang, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, mức thuế này sẽ ngày càng trở thành gánh nặng lớn, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu, tiết kiệm và tích lũy của người lao động.

Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh không chỉ giúp giảm áp lực tài chính, mà còn kích thích tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi người dân có thu nhập khả dụng cao hơn, họ có thể chi tiêu nhiều hơn vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nhà ở và tiêu dùng cá nhân. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nếu mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh hợp lý, sẽ xuất hiện tình trạng “thuế chồng thuế”, khi mà nhiều người lao động dù chỉ có mức thu nhập trung bình nhưng vẫn phải đóng thuế ở mức cao do ngưỡng chịu thuế không còn phù hợp với thực tế. Điều này không chỉ tạo ra sự bất công bằng mà còn ảnh hưởng đến động lực làm việc và đóng góp của người lao động vào nền kinh tế.

Do đó, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 26 triệu đồng là hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời giúp chính sách thuế TNCN tiệm cận hơn với thực tế đời sống và thu nhập của người dân.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cũng đề xuất nên xem xét thêm các yếu tố khác như mức lương tối thiểu vùng, thu nhập bình quân đầu người và sức mua thực tế của đồng tiền để có một công thức điều chỉnh linh hoạt hơn. Đây cũng là cách giúp chính sách thuế TNCN trở nên công bằng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách một cách hợp lý.

Thực tế cho thấy, từ thời điểm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đến nay, mức lương cơ sở đã tăng đáng kể, còn CPI cũng tăng trung bình 3-4% mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với việc sức mua của đồng tiền giảm, trong khi ngưỡng chịu thuế TNCN vẫn giữ nguyên, khiến ngày càng nhiều người rơi vào diện phải nộp thuế dù thu nhập thực tế không có nhiều thay đổi.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, cần có sự điều chỉnh định kỳ và linh hoạt hơn trong chính sách thuế TNCN, thay vì chờ đến khi CPI tăng 20% mới xem xét thay đổi. Cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần bám sát thực tiễn kinh tế, đảm bảo công bằng cho người lao động, giúp họ có khả năng duy trì mức sống ổn định thay vì bị áp lực thuế ngày càng lớn trong khi thu nhập thực tế không cải thiện tương ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh: Nâng bao nhiêu để theo kịp mức sống?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO