Chính trị - Xã hội

Giảm trừ gia cảnh - cập nhật thế nào để không lỗi thời?

Lê Trà My 09/02/2025 12:34

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó mức giảm trừ gia cảnh tiếp tục là tâm điểm tranh luận.

Khi chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang, chính sách thuế nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ trở nên lỗi thời và gây áp lực lên người lao động.

giamtrugiacanh.jpg
Người dân hy vọng lần sửa đổi này sẽ giúp chính sách thuế theo kịp thực tế đời sống. Ảnh minh họa: ITN

Cập nhật nhưng đã đủ?

Từ năm 2009 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh ba lần, từ 4 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.

Theo quy định hiện hành, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20%, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức sống và giá cả biến động nhanh hơn tốc độ điều chỉnh của chính sách thuế.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 4,96 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất đạt 10,86 triệu đồng/tháng. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy với thu nhập 17 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng/tháng (có 2 người phụ thuộc), người lao động chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân sau khi trừ bảo hiểm bắt buộc.

Tuy nhiên, liệu con số này có thực sự phản ánh đúng chi phí sinh hoạt, đặc biệt tại các đô thị lớn? Với giá cả leo thang, một cá nhân có thu nhập 17-22 triệu đồng/tháng vẫn có thể chật vật khi phải gánh thêm chi phí nhà ở, giáo dục, y tế, nuôi con... Nếu mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh linh hoạt, chính sách thuế có nguy cơ lạc hậu, khiến gánh nặng tài chính đè nặng lên người lao động.

Thực tế cho thấy chi phí sinh hoạt tại các đô thị lớn đã vượt xa mức giảm trừ hiện hành. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân trong khi thu nhập thực tế không theo kịp mức sống.

Cần một chính sách thuế linh hoạt và kịp thời hơn

Một số chuyên gia đã đề xuất gắn mức giảm trừ gia cảnh với tốc độ lạm phát hoặc mức lương tối thiểu vùng để phản ánh đúng thực tế chi tiêu. Hoặc áp dụng mức giảm trừ linh hoạt theo khu vực, ví dụ như tăng cao hơn tại các thành phố lớn, nơi chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn. “Theo tôi, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mức giảm trừ nên ở khoảng 16-18 triệu đồng/tháng trở lên” - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính đề nghị.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên mức sống thực tế của người dân. Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… có mức khác với những tỉnh thành miền núi. Có thể căn cứ vào cách chia vùng hưởng lương khu vực để xác định mức giảm trừ phù hợp.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cũng đề xuất mức giảm trừ gần sát như trên, từ 14-16 triệu đồng/tháng với người nộp thuế. "Ở Hà Nội, 60-70% người dân phải đi thuê nhà, tiền thuê khá tốn kém, chưa kể nhiều khoản chi phí khác. Mức 11 triệu đồng/tháng là quá thấp. Còn với người phụ thuộc, mức 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng không thể đủ được. Theo tôi, ít nhất cũng phải để mức từ 5-7 triệu đồng trở lên”, Thức nói.

Nhận xét ở những thành phố lớn, chi tiêu và giá cả rất đắt đỏ, ông Thức nhấn mạnh: “Phải để người dân đảm bảo mức sống tối thiểu rồi mới tính chuyện thu thuế. Đừng để có nhiều người âm thu nhập mà vẫn cứ phải nộp thuế”.

Hiện nay, có nhiều luồng ý kiến trái chiều về mức giảm trừ gia cảnh. Một số ý kiến cho rằng mức hiện tại chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, đặc biệt với nhóm lao động thu nhập trung bình. Trong khi đó, có quan điểm lo ngại nếu nâng mức giảm trừ quá cao, thuế thu nhập cá nhân sẽ mất đi vai trò điều tiết thu nhập, biến thành "thuế thu nhập cao" thay vì đảm bảo công bằng xã hội.

Bộ Tài chính thừa nhận cần xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, nhưng phải cân nhắc để không làm suy yếu chức năng điều tiết của thuế. Bản chất của chính sách giảm trừ gia cảnh là giúp cá nhân có mức thu nhập đủ trang trải nhu cầu thiết yếu trước khi chịu thuế. Nếu không được cập nhật hợp lý, chính sách này có thể trở nên bất công bằng với người nộp thuế.

Một phương án đang được đề xuất là trao quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho Chính phủ thay vì chờ Quốc hội quyết định sau nhiều năm. Điều này sẽ giúp chính sách linh hoạt hơn trước những biến động kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo điều chỉnh kịp thời và phù hợp thực tế.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến. Câu hỏi đặt ra là: Lần sửa đổi này có giúp chính sách thuế theo kịp thực tế đời sống hay vẫn tiếp tục lạc nhịp với tốc độ biến động kinh tế?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm trừ gia cảnh - cập nhật thế nào để không lỗi thời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO