Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Đây là nội dung được các bộ, ngành, địa phương và người nộp thuế đặc biệt quan tâm.
Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được áp dụng từ năm 2020, nhưng đến nay đã không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế và mức sống của người dân.
Dẫn số liệu từ Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, Bộ cho biết thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2023 đạt 4,96 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập trung bình 10,86 triệu đồng/tháng. Với mức giảm trừ hiện tại là 11 triệu đồng/tháng, con số này tương đương hơn 2,21 lần thu nhập bình quân đầu người và ngang bằng với thu nhập của nhóm giàu nhất.
Như vậy, với quy định hiện hành, người lao động có thu nhập 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) sau khi trừ bảo hiểm vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Bộ Tài chính nhận định mức giảm trừ này cao hơn phổ biến so với nhiều nước và cần được điều chỉnh để đảm bảo công bằng, phù hợp với thực tiễn kinh tế.
Vấn đề đặt ra là nếu điều chỉnh theo hướng giảm mức giảm trừ gia cảnh, liệu có tạo thêm gánh nặng thuế cho người lao động, nhất là trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng? Ngược lại, nếu duy trì mức giảm trừ hiện tại, nguồn thu ngân sách có bị ảnh hưởng hay không? Đây là bài toán cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích của cả người dân và Nhà nước.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, mức giảm trừ gia cảnh chỉ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh gần nhất. Điều này đồng nghĩa với việc dù chi phí sinh hoạt tăng cao, nhưng nếu CPI chưa vượt ngưỡng 20%, mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên, gây nhiều bất cập trong thực tế.
Nhiều chuyên gia nhận định quy định này cứng nhắc, thiếu linh hoạt và không phản ánh kịp thời những biến động của nền kinh tế. Vì vậy, trong tờ trình mới đây, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án trao quyền cho Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Điều này sẽ giúp việc điều chỉnh chủ động hơn, kịp thời thích ứng với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trao quyền quyết định mức giảm trừ gia cảnh cho Chính phủ cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Việc điều chỉnh không chỉ dựa trên CPI mà còn phải xét đến các yếu tố lạm phát, thu nhập bình quân, mức sống tối thiểu và khả năng đóng góp của người dân. Nếu không có tiêu chí rõ ràng, sự linh hoạt này có thể dẫn đến những điều chỉnh thiếu nhất quán, gây tác động không mong muốn đến người nộp thuế.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế sẽ được Quốc hội thảo luận vào tháng 10/2025, thông qua vào tháng 5/2026 và có thể áp dụng từ năm 2027. Điều này đồng nghĩa với việc người nộp thuế sẽ tiếp tục chờ đợi ít nhất ba năm nữa để được hưởng một chính sách thuế hợp lý hơn.
Trong khi đó, áp lực lạm phát ngày càng lớn. Từ năm 2020 đến hết năm 2024, CPI đã tăng gần 16%. Nếu tính cả mức tăng dự kiến năm 2025, nhiều khả năng CPI sẽ chạm mốc 20%, buộc mức giảm trừ gia cảnh phải được điều chỉnh theo quy định hiện hành. Điều này cho thấy việc chậm thay đổi chính sách thuế không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động mà còn đi ngược lại nguyên tắc công bằng trong hệ thống thuế.
Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú đề xuất, Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ngay từ năm 2025, thay vì chờ đến khi luật mới có hiệu lực. Việc này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động mà còn tạo động lực kích thích tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế.
Thực tế, nhiều nước có cơ chế linh hoạt hơn trong điều chỉnh chính sách thuế, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Việt Nam cũng nên học hỏi cách tiếp cận này thay vì để người dân phải tiếp tục chờ đợi một cuộc cải cách thuế quá lâu. Bởi một chính sách thuế công bằng, hợp lý không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn là đòi hỏi chính đáng của người dân.