Không sửa mức giảm trừ gia cảnh - đợi đến khi nào?

NHẬT QUANG 30/05/2024 16:20

Với vật giá và mức sinh hoạt hiện nay, thu nhập tính mốc giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng không không còn phù hợp với cuộc sống thực tế.

>>Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Cấp bách vẫn phải... “chờ”?

Rủ nhau đi thăm người thân của đồng nghiệp bị ốm nặng, anh bạn thân làm cùng nhắn tin hỏi tôi: "Phong bì bao nhiêu?".

Tôi nhắn trả lời: "500 nghìn đồng".

Thế là anh bạn bốc máy điện thoại luôn tâm sự trình bày một hồi với ý chỉ muốn để phong bì 300 nghìn đồng thôi. Nghĩ lại anh ấy nói cũng đúng, những người làm cho công ty nước ngoài đơn thuần chỉ là làm công ăn lương, có chức vụ cao lại ăn lương cố định, không có phần thu nhập từ tăng ca thêm giờ. Trừ hết các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thuế thu nhập cá nhân…, số tiền anh nhận về còn tròn 25 triệu đồng.

Vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN nhận được sự quan tâm đặc biệt suốt thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN nhận được sự quan tâm đặc biệt suốt thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Vợ anh làm giảng viên trường đào tạo nghề du lịch, lương chưa được 10 triệu đồng, phải bán thêm hàng hải sản nhập từ quê ngoại Quảng Ninh để tăng thu nhập. Cả nhà vẫn còn nợ tiền mua nhà phải bớt ra hàng tháng để trả nợ, chiếc ô tô hạng nhỏ cũng vẫn là mua trả góp. Hai đứa con ăn học một đứa lớp 9, một lớp 3, hàng tháng cần tiêu tốn số tiền không hề nhỏ.

Tiền ăn tằn tiện cũng hết khoảng 9 triệu đồng cho bữa chính, còn lại là tiền trả nợ, ăn sáng, xăng xe, điện, nước, học phí, quần áo cho con, ma chay, cưới xin, giỗ chạp… Trăm thứ đổ dồn vào số tiền lương của hai vợ chồng nghe tưởng là cao nhưng cuối tháng là hết sạch, chẳng còn tích luỹ. Nếu phát sinh khoản nào hay ốm đau là lại phải giật gấu vá vai. Khoản tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp hàng tháng là 1,2 triệu đồng, nếu được bớt đi được sẽ giúp cuộc sống gia đình anh dễ chịu hơn nhiều.

Với vật giá và mức sinh hoạt hiện nay, thu nhập tính mốc giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng không không còn phù hợp với cuộc sống thực tế, bậc thang giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng là quá thấp. Như người có hai đứa con phụ thuộc thì từ mốc 19,8 triệu đồng trở lên phải chịu thuế TNCN theo khoản 1 điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khoản 6 Điều 25 thông tư 92/2015/TT-BTC. Về cơ bản, thuế TNCN là mức thuế áp cho người cho thu nhập cao đóng thuế. Vậy thì những gia đình có mức thu nhập như anh bạn tôi mà được coi là cao thì rất bất hợp lý khi phải cân nhắc khoản chi giữa 500 ngàn đồng với 300 ngàn đồng.

Giá xăng, giá gạo, giá USD, giá thực phẩm..., thậm chí giá phong bì đi đám cưới năm 2015 khác xa với bây giờ chứ đừng nói tới giá vàng. Vậy mà mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế TNCN vẫn như vậy. Nếu thu nhập thực sự cao với mức 100 triệu đồng/tháng thì hạn mức giảm trừ hay chi tiêu có thể là phép tính nhẹ nhàng. Với những người thu nhập trên ngưỡng giảm trừ một chút thực sự là thiếu công bằng, gây nên sự bất mãn chán nản từ người nộp thuế.

>>Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Có cần chờ đến khi sửa luật?

Số thuế TNCN nộp luôn vượt dự toán, như năm 2022 chưa hết năm đã được 152.123 tỷ đồng, bằng 129 % dự toán. Nhà nước thì mừng, nhưng người dân thì không vui khi phải thắt lưng buộc bụng nộp thuế. Trong khi nhóm đối tượng làm công ăn lương vươn tới mức lương có thể đóng thuế TNCN cần cả quá trình phấn đấu, cố gắng, mà phần lớn những người này đều trên 35 tuổi, có hai con phụ thuộc vào mình. Dân giàu nước mới mạnh. Quan điểm của Chính phủ “người dân là trên hết, trước hết” liệu đã phù hợp với quy định về thuế TNCN hiện hành?

Có nộp thuế, nhà nước mới có nguồn thu, mới đầu tư được cơ sở hạ tầng, vận hành bộ máy chính quyền, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nhưng áp thuế TNCN mà người dân luôn bất mãn, than phiền thì cần phải thay đổi, bớt cho người dân nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.

Sắp hết quý II năm 2024, người dân ngóng chờ sự thay đổi về chính sách, quy định về nộp thuế TNCN. Do đó, cần điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc cho người phải nộp thuế TNCN để người dân đỡ vất vả.

Thêm nữa, nếu xây dựng luật thuế TNCN chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát tăng 20% là cứng nhắc, không có cơ sở rõ ràng. Thu nhập tăng, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống tăng lên, từ ăn no mặc ấm lên ăn ngon mặc đẹp, đi du lịch… là quyền được hưởng thụ của người dân. Các nước phát triển luôn điều chỉnh mức nộp thuế hợp lý để nâng cao mức sống người dân, đồng thời cũng kích thích nhu cầu phát triển về dịch vụ, tiêu dùng.

Chính sách thuế TNCN này còn khiến nhân tài ngại tới Việt Nam, người nước ngoài sẽ chọn nơi có ưu đãi thuế TNCN để làm việc thay vì chọn Việt Nam làm điểm đến.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Tài chính lý giải việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

    00:30, 30/05/2024

  • Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Cấp bách vẫn phải... “chờ”?

    03:50, 31/03/2024

  • Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Có cần chờ đến khi sửa luật?

    03:50, 21/03/2024

  • Mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp, nhưng năm 2025 mới sửa luật

    12:53, 18/03/2024

  • Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Cần theo tỉ lệ lạm phát hàng năm

    21:06, 16/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không sửa mức giảm trừ gia cảnh - đợi đến khi nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO