Khi mức lương mới được áp dụng, không ít ý kiến cho rằng, những bất cập về mức giảm trừ gia cảnh cần được sửa đổi ngay thay vì chờ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để đáp ứng thực tế cuộc sống…
>> Giảm trừ gia cảnh lạc hậu - Cần thay đổi cách tính
Theo đó, việc tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 được kỳ vọng là sẽ giúp nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn bởi khi lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên thì thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng lên; điều này có thể sẽ làm giảm ý nghĩa của việc áp dụng mức lương mới.
Thực tế cho thấy, hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là mức giảm trừ này được duy trì từ tháng 6/2020 đến nay. Trong khi hơn 4 năm qua, giá của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng; thậm chí có một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. Điển hình như theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục hiện đã tăng 17%; giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng 105%… do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục áp dụng mức giảm trừ gia cảnh nói trên đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là đối với người lao động ở các thành phố lớn.
Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, khi trao đổi tại hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu.
“Khi tăng lương 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý”, đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ.
>> Sao không sửa sớm mức giảm trừ gia cảnh?
Đây không phải là vấn đề mới và là góc nhìn không của riêng đại biểu, bởi, thực tế hiện nay cho thấy, ở các đô thị lớn, các gia đình có con nhỏ phải thuê người trông trẻ thì cũng phải trả không dưới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Gia đình có con cái đi học thì chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn chi tiêu chung. Với gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn là chi phí y tế, thuốc men.
Vì vậy, nếu chờ 2 năm nữa Luật Thuế thu nhập cá nhân mới được sửa đổi, thông qua đề xuất hiện hành thì nhiều người dân sẽ phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân, chưa kể, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng lương, đảm bảo mức sống cơ bản cho cán bộ, viên chức và người lao động sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Nhìn nhận liên quan đến vấn đề đã nêu, chuyên gia kinh tế - GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích, thuế thu nhập cá nhân có mục tiêu là để điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao đề bù cho những người có thu nhập thấp và như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến phần tiêu dùng tối thiểu của người dân. Do đó, cần xác định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thu nhập và mức tiêu dùng thực tế của người dân tại thời điểm đó.
“Chúng ta đã điều chỉnh mức giảm trừ cho người đóng thuế là 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu từ năm 2020, nhưng đến nay đã có nhiều nhân tố làm thay đổi, đó là chỉ số giá tiêu dùng, chi phí đời sống của người dân liên tục tăng qua các năm. Ví dụ chi phí học hành, điều kiện sinh hoạt, chỗ ở hiện đã rất khác. Ngoài ra, thu nhập của người dân cũng tăng lên nên không thể lấy mức cũ để làm thước đo cho mức giảm trừ gia cảnh”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải tính toán để nâng mức giảm trừ gia cảnh lên. Bởi từ 01/7 chúng ta đã tăng lương tối thiểu tăng 30%, nếu không thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì việc tăng lương vô hình chung lại chuyển thành nghĩa vụ phải đóng thuế. Đó chính là điều bất hợp lý.
Đồng quan điểm đã nêu, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, quy định về mức giảm trừ gia cảnh nay đã “lạc hậu”. Các mức này phải tăng cao hơn, theo tôi, mức giảm trừ cho người nộp thuế thậm chí nên tính từ 18 - 20 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng cần được tăng lên 50 - 70%, tức khoảng 6 - 7,5 triệu đồng.
Theo vị chuyên gia này, ngoài ra, cần phải điều chỉnh sớm, vì chậm hơn so với thực tiễn đời sống của người dân là sẽ gây thiệt thòi cho nhiều người. Đặc biệt, khi lương cơ bản đã tăng thì càng cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc thay đổi thuế, tránh việc chưa kịp hưởng lợi tăng lương đã phải tăng đóng thuế thu nhập.
Được biết, liên quan đến những bất cập của mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế, trước đó, Quốc hội, Chính phủ đã không ít lần yêu cầu cơ quan chuyên môn xem xét, sửa đổi để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Từ 01/7/2024, mức tăng lương cơ sở lên 30%, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Lương cơ sở tăng luôn đi kèm với giá cả tăng theo, chỉ có mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4.400.000đ/người, lại không được tăng mức lên theo.
Đngs nói, sau hơn 4 năm thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh này, cũng như với người phụ thuộc, được cho là đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, vốn có nhiều bất cập và đã được phản ánh từ lâu.
Có thể bạn quan tâm
Giảm trừ gia cảnh lạc hậu - Cần thay đổi cách tính
00:06, 06/06/2024
Sao không sửa sớm mức giảm trừ gia cảnh?
17:06, 01/06/2024
Không sửa mức giảm trừ gia cảnh - đợi đến khi nào?
16:20, 30/05/2024
Bộ Tài chính lý giải việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
00:30, 30/05/2024
Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Cấp bách vẫn phải... “chờ”?
03:50, 31/03/2024