Tăng lương - cần tăng mức giảm trừ gia cảnh

NHẬT QUANG 12/07/2024 03:30

Ngày càng có thêm nhiều ý kiến của người dân về mức giảm trừ gia cảnh được đại biểu báo cáo trong phiên họp Quốc hội vừa qua.

>>Không để tiền tăng lương chuyển thành tiền đóng thuế

Với mức giảm trừ bản thân đối với người có thu nhập 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện tại. Nhất là từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở áp dụng cho công chức, viên chức, lực lượng quân đội, công an… tăng lên 2,34 triệu (nhân với hệ số), khiến một số người có mức lương chạm mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Phần lớn các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu.

Mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng chưa thể tính là người sống dư dả ở đô thị, thành phố.

Điều này chắc chắn làm họ không vui vì hiện tại với mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng, họ chưa thể được tính là người sống dư dả ở đô thị, thành phố, chưa kể khó có khả năng tích luỹ tiết kiệm khi chi tiêu cho một đứa trẻ với ăn uống, học hành, quần áo, sách vở…, chưa kể khi bị ốm đau thì 4,4 triệu đồng/tháng là không đủ.

Công chức, viên chức, lực lượng quân đội vũ trang sau khi ra trường có vị trí công tác để đạt được mức lương đóng thuế TNCN phải mất hàng chục năm phấn đấu cống hiến trong công tác, phần lớn đã lập gia đình và có con nhỏ phổ biến ở độ tuổi ngoài 30. Mức giảm trừ gia cảnh thấp làm phần thuế TNCN thành gánh nặng trong chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Trong khi định nghĩa người phải nộp thuế TNCN là người có thu nhập cao, thì với mức lương chỉ đảm bảo cuộc sống sinh hoạt ở mức trung bình chứ chưa thể tính là thu nhập cao được.

Lương cơ sở tăng 30% mà mức giảm trừ gia cảnh lại đứng im là không hợp lý. Thuế TNCN phải tính theo phần trăm lương để tự động như với mức đóng bảo hiểm xã hội mới đúng. Muốn đạt được mục đích kép là tăng lương kéo theo nhu cầu mua sắm, sinh hoạt, du lịch tăng lên, kích cầu cho kinh tế phát triển, thúc đẩy năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, thì giảm trừ gia cảnh phải tăng tối thiểu lên 30% hoặc phải gấp đôi lên 60% thì đối tượng hưởng lương mới không “thắt lưng buộc bụng” mà mở rộng chi tiêu.

>>Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 tác động thế nào đến doanh nghiệp?

“Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ” nếu không nới mức giảm trừ gia cảnh, tâm lý phòng thủ sẽ thêm mạnh mẽ, người hưởng mức lương mới sẽ dè dặt chi tiêu, giữ chặt khoản tiền tiết kiệm hoặc mua vàng chứ không dám đưa ra lưu thông hay đầu tư tạo ra nút thắt gây tắc nghẽn dòng tiền.

Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc mà phần lớn người phụ thuộc là trẻ nhỏ thì ở đô thị, thành phố lớn, mức chi tiêu cho một em bé lớn hơn số tiền được giảm trừ là sự thiệt thòi cho người dân nộp thuế TNCN. Trẻ được 6 tháng tuổi là mẹ phải đi làm, nếu thuê người trông thì có trả 5 triệu đồng/tháng còn khó khăn, chưa kể bỉm sữa, quần áo, đồ chơi… Giá cả hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thì tăng nhanh hơn thu nhập kiểu “giá tung tăng chạy trước, lương lả lướt theo sau” khiến người lao động hưởng lương từ ngân sách luôn hụt hơi vì mức giảm trừ này giữ nguyên từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020. So với 4 năm trước, giá lương thực thực phẩm tăng 27%, giá xăng tăng còn nhiều hơn, chi phí giáo dục, y tế đều tăng vọt theo số liệu của cục Thống kê.

Đơn giản nhất, đi ăn sáng trước có thể ăn với mức giá 10 hay 15 nghìn, nay ít nhất phải 20 nghìn, ăn ngon là 30 nghìn đến 50 nghìn, cốc cà phê từ 15 nghìn lên 20 nghìn. Bộ Tài chính không hề làm sai khi áp dụng Luật thuế TNCN cùng nghị định quy định hiện tại, thì Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phải vượt trên 20% dựa vào danh sách rổ hàng hoá có 752 mặt hàng thiết yếu, nhưng trong số mặt hàng đó có cái chưa vượt 20% nhưng nhiều mặt hàng lại vượt xa 20% nên không thể cứng nhắc áp dụng cho được.

Rổ hàng hoá dùng tính chỉ số CPI phải có thứ tự ưu tiên không thể đánh đồng như nhau. Với tổng thu nhập từ lương của hai vợ chồng công chức viên chức có một con nhỏ ở mức 30 triệu đồng/tháng, họ phải dùng cho chi tiêu sinh hoạt tới 70%. Chi con cái học hành hết 5 triệu đồng; ăn sáng, ăn trưa, ăn tối tiết kiệm cũng khoảng 8,2 triệu đồng; xăng xe 2,1 triệu đồng; quần áo, điện nước, gas… vật dụng sinh hoạt cá nhân khoảng 6 triệu đồng; tổng mất 21,3 triệu đồng. Nếu còn phải đi thuê nhà với tháng vài cái đám cưới, đám giỗ thì không còn để ra được bao nhiêu chứ đừng nói đến đi ăn nhà hàng, du lịch với tiết kiệm mua nhà, mua xe.

Nếu được tính là thu nhập cao thì chi phí sinh hoạt thiết yếu chỉ chiếm dưới 50% tổng thu nhập, còn lại là đầu tư, tích luỹ và sử dụng dịch vụ cao cấp. Còn với cách tính này thì việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải được áp dụng song song cùng thời điểm tăng lương là từ ngày 1/7/2024 mới hợp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Tăng lương ngay cho cán bộ, người nghỉ hưu

    22:27, 06/07/2024

  • Không để tiền tăng lương chuyển thành tiền đóng thuế

    03:30, 06/07/2024

  • Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 tác động thế nào đến doanh nghiệp?

    03:30, 13/06/2024

  • Sắp tăng lương - Làm gì để chống “bão giá”?

    04:30, 22/05/2024

  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị tăng lương hưu 8%

    00:00, 20/02/2024

  • Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, lãnh đạo được đề xuất tăng lương thưởng?

    02:00, 13/11/2023

  • Tăng lương tối thiểu vùng: Cần sự chia sẻ và đồng cảm

    01:30, 25/07/2023

  • Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”

    04:00, 17/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng lương - cần tăng mức giảm trừ gia cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO