>>> Nhiều “ông lớn” đổ bộ vào chăn nuôi lợn

Phân khúc cạnh tranh   

Những năm trước, phân khúc thịt lợn có thương hiệu là “đất” của một số tên tuổi như CP, MeatDeli. Một số hệ thống phân phối lớn đầu tư phát triển nhãn hàng riêng cho mặt hàng này như siêu thị Lotte, chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm, Sói Biển với dòng sản phẩm thịt giun quế, thịt chăn nuôi sinh học… Tuy nhiên, năm 2022, thị phần này phần nào đã bị san sẻ với sự xuất hiện của sản phẩm "Heo ăn chuối" của bầu Đức và "Heo ăn chay" của tập đoàn Tân Long.

Chăn nuôi nói chung đang tạo sức hút với nhiều doanh nghiệp lớn. Khác với sự ồn ào của làn sóng đầu tư vào chăn nuôi cách đây 5 năm, lần này, các ông lớn đổ vốn vào chăn nuôi khá thận trọng với những bước đi bài bản, chuyên nghiệp hơn. Trong đó, xu hướng chủ đạo là phát triển mô hình thịt heo 3F (Feed - Farm - Food) sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu chăn nuôi ở trang trại đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thịt lợn có thương hiệu đang là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng

Thịt lợn có thương hiệu đang là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng

Thay vì bán thịt tươi sống, mảng chế biến được các doanh nghiệp chú trọng hơn. Từ các doanh nghiệp lâu năm hay đến các tên tuổi mới tham gia thị trường này đều đã dần dần hoàn thiện các dòng sản phẩm chế biến từ thịt.

Dịp Tết Nguyên đán, ngoài cung cấp các mặt hàng thịt tươi sống, thương hiệu “Heo ăn chuối” của bầu Đức còn cung cấp sản phẩm chế biến như giò chả, xúc xích, thịt nguội; còn thương hiệu “Heo ăn chay” giới thiệu thêm sản phẩm lạp sườn. Trước đó, thương hiệu CP, MeatDeli đều đầu tư dây chuyền chế biến, cung cấp thêm các thực phẩm chế biến tiện lợi như thịt viên sốt, dồi…  

Theo báo cáo của công ty Chứng khoán VNDirect, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu, đứng đầu trong các lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam, trên cả thịt gia cầm và thịt bò. Lượng tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam dự báo tăng trưởng kép hơn 3%/ năm từ năm 2022 - 2030.

Trong khi đó, thịt lợn có thương hiệu tại Việt Nam chiếm chưa đến 10% tổng lượng thịt đang được tiêu thụ trên thị trường. Dự báo, phân khúc này sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 10 -15%/năm. Với những tiềm năng lớn, năm 2022, nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia thị trường.

Đây là tín hiệu tốt bởi với nguồn cung dồi dào, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và giá thịt lợn ổn định hơn. Thậm chí, ngay ở thời điểm này, giá bán thịt lợn tại một số siêu thị còn giảm đến 30%, bằng giá bán thịt lợn tại chợ dân sinh. Điều này rất hiếm khi xảy ra trong những năm gần đây.

Điều chỉnh chiến lược phù hợp với thị trường

Tại các thành phố lớn, nhiều bà nội trợ dần dần thay thế thịt lợn có thương hiệu cho các mặt hàng cùng loại bán tại chợ bởi giá cả không chênh lệch quá lớn, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn. Thịt lợn cũng đã đưa lên sàn thương mại hiện đại để người tiêu dùng, nhất là người trẻ dễ dàng chọn mua mọi lúc, mọi nơi.

Trước Tết 3 tháng, lần lượt hai dòng sản phẩm “Heo ăn chuối” và “Heo ăn chay” được bày bán và quy mô thị trường được mở rộng một cách thận trọng. Đặc biệt, cả hai sản phẩm này đều tìm các thị trường ngách để tiếp cận khách hàng dễ dàng thay cho việc đổ hàng vào hệ thống phân phối lớn, có sự cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu lớn.

Điển hình là sản phẩm “Heo ăn chay” khi Bắc tiến được bày bán trong hệ thống phân phối riêng nằm trong các khu dân cư đông đúc và đang duy trì mức giá cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại chợ. Điểm cộng cho thương hiệu này là hệ thống cửa hàng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, điều kiện bảo quản tốt.

Tại các hệ thống phân phối lớn luôn có từ 2-3 thương hiệu thịt lợn sạch được bày bán

Tại các hệ thống phân phối lớn luôn có từ 2-3 thương hiệu thịt lợn sạch được bày bán

Còn sản phẩm “Heo ăn chuối” của bầu Đức tuy tạo được hiệu ứng truyền thông cho người tiêu dùng tại Hà Nội nhưng hệ thống cửa hàng khá khiêm tốn, chủ yếu là bán qua app, trực tuyến hoặc liên kết với các cửa hàng tại khu dân cư, khu đô thị mới tạo kênh phân phối riêng.

VNDirect đánh giá, sản phẩm “Heo ăn chuối” của bầu Đức và “Heo ăn chay” của Tân Long là phù hợp với thời đại. Trong đó, cả hai doanh nghiệp chăn nuôi đều lợi thế là có nguồn thức ăn chăn nuôi ổn định, giá rẻ trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường có thời điểm tăng cao.

Chẳng hạn như bầu Đức tận dụng lượng lớn chuối thải loại để sản xuất thành bột chuối, phối trộn trong thức ăn chăn nuôi giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí. Còn tập đoàn Tân Long vốn là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nên đầu vào của chăn nuôi lợn không chỉ ổn định mà có chi phí thấp hơn 10-15% so với các doanh nghiệp khác.

Điều này đã tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. So với các sản phẩm khác trên thị trường, hiện giá bán thịt lợn ăn chay và ăn chuối đều thấp hơn. Tuy nhiên, lợi thế về chi phí hay giá không phải quyết định thành công.

Điểm yếu của các thương hiệu mới có lẽ là thiếu hệ thống phân phối hoàn chỉnh, chất lượng bảo quản, dịch vụ hậu cần trước những thương hiệu lớn trên thị trường thịt sạch. Vì vậy, có thể hiểu sự thận trọng trong chiến lược phát triển của thương hiệu mới trong thời gian qua sau một thời gian nỗ lực tìm lời giải cho bài toán “trồng cây nào, nuôi con gì”. Song, đây lại là sự thận trọng cần thiết trong giai đoạn phát triển mới.