Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều “sân chơi” rộng lớn hơn và phải tiếp cận với các luật chơi khác nhau, do đó, nguy cơ tranh chấp cũng lớn hơn, phức tạp hơn.

Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là khi xảy ra tranh chấp, họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và đối phó. Doanh nghiệp chưa quen với văn hoá kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hoà giải thương mại.

Các tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt đến từ các điều khoản hợp đồng, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, trong đó có thể là những "gài cắm" đầy tính toán từ đối tác mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm. Hay đối tác soạn hợp đồng thế nào, doanh nghiệp thường ký như vậy.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Việt Nam chưa thông thạo thông lệ quốc tế, tập quán làm ăn tại nhiều quốc gia. Điều này cũng khiến doanh nghiệp dễ sa chân vào tranh chấp. Ngoài ra, tranh chấp từ các hàng rào kỹ thuật ngày càng phổ biến hơn như các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… để bảo hộ thị trường.

Để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả và bền vững, ông Tuấn cho rằng, cần phải hình thành một thị trường dịch vụ pháp lý vận hành hiệu quả. Ở đó, có các luật sư tốt, đẳng cấp thế giới, nhiều kinh nghiệm quốc tế để đồng hành với doanh nghiệp trong các giao dịch làm ăn lớn ở quy mô quốc tế.

Dịch vụ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trẻ cũng luôn cần có sẵn. Đó có thể là những văn phòng luật sư chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ. Nhưng Nhà nước cũng có thể thành lập hoặc đứng ra vận hành các trung tâm dịch vụ tư vấn, với những luật sư công do Nhà nước trả lương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các doanh nghiệp địa bàn khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp... Đây là mô hình đã thực hiện thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Muốn có thị trường dịch vụ pháp lý như vậy, cần có vai trò của Nhà nước trong đào tạo nhân lực, xây dựng và thúc đẩy hoạt động hiệp hội nghề nghiệp, tạo ra các cơ chế khuyến khích để thị trường phát triển.