Ngày 23/9/2021, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản trực tuyến với chủ đề “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng”. Diễn đàn được tổ chức nhằm cung cấp cho người dân và các doanh nghiệp cái nhìn toàn cảnh về Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Diễn đàn Bất động sản trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng”

Toàn cảnh Diễn đàn Bất động sản trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều 23/9

TRỤC KHÔNG GIAN CHỦ ĐẠO CỦA THỦ ĐÔ

Báo cáo của Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội nêu rõ, sau hơn sáu thập niên (nếu tính từ khi Thủ đô được giải phóng 10/10/1954) xây dựng và phát triển, Hà Nội ngày nay đã mở rộng gấp 3,6 lần so với trước năm 2008, với diện tích lên đến hơn 3.300 km2, dân số gần 8 triệu người.

Bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế-xã hội, về kiến trúc đô thị, thành phố cũng đã và đang phải đối mặt với những hệ lụy của quá trình phát triển nhanh, thiếu kiểm soát trong nền kinh tế thị trường, làm cản trở sự phát triển bền vững của Thủ đô.

CÔNG BĂN

Công văn UBND TP Hà Nội gửi các Sở ngành yêu cầu nghiên cứu, xem xét nội dung đề xuất của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội, khu vực hai bên sông Hồng tập trung rất nhiều công trình xây dựng tự phát, trái phép, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, tạo thành một khu vực lộn xộn không theo quy hoạch.

Đã có rất nhiều các đồ án, dự án, đề tài nghiên cứu được triển khai nhằm mục đích cải tạo dân cư khu vực, kết nối giao thông hai bờ sông, trị thủy như: QHCT tỷ lệ 1/2000 xây dựng cải tạo thí điểm 1km dọc bờ Nam sông Hồng (quận Tây Hồ) năm 2003, dự án nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) năm 2003, Đề án Quy hoạch hai bờ sông Hồng do Sở Quy hoạch-Kiến trúc xây dựng năm 2006, dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên xây dựng tuyến đường sắt số 1 từ năm 2005,…

Về cơ bản các quy hoạch, đề án đã lập đáp ứng được nhu cầu cải tạo, xây dựng mới khu vực ngoài đê, tuy nhiên mới chỉ là những nghiên cứu mang tính cục bộ, các nghiên cứu đề xuất về quy hoạch hai bờ sông Hồng mới dừng ở dạng đề án, chưa có nghiên cứu cụ thể và toàn diện về quy hoạch sử dụng đất, giao thông, thủy lợi và các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật khác.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực mới thúc đẩy việc thu hút đầu tư.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực mới thúc đẩy việc thu hút đầu tư.

Đến năm 2006, Hà Nội đã triển khai nghiên cứu Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội với phạm vi 40km dọc 2 bên sông Hồng, nội dung khá toàn diện về vấn đề trị thủy, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, tuy nhiên tính khả thi chưa cao.

Tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (viết tắt là QHC1259) đã xác định Sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.

Năm 2012, để cụ thể hóa những định hướng của QHC1259, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Cuối năm 2015, QHPK sông Hồng đã lấy ý kiến các cơ quan tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, các Sở ngành tại các hội nghị, hội thảo và Hội đồng thẩm định Quy hoạch phân khu đô thị thành phố Hà Nội đã báo cáo và được Tập thể UBND Thành phố thông qua tại Thông báo số 362/TB-VP ngày 02/12/2015.

Đầu năm 2021, đồ án QHPK đô thị sông Hồng đã được Viện QHXD Hà Nội xây dựng và đã được Thành ủy Hà Nội thống nhất về chủ trương đối với định tại Thông báo số 180-TB/TU ngày 22/3/2021. Phương án quy hoạch điều chỉnh đã được Bộ NN&PTNT cho ý kiến tại văn bản số 4409/BNN-PCTT. Hiện nay, Viện QHXD Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến Bộ Xây dựng.

CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã khẳng định "Trước đây sông Hồng cận biên là phía Bắc. Bây giờ tư duy quy hoạch mới rồi, trục nằm giữa lòng sông Hồng, từ đó phát triển hài hòa hai bên bờ sông". Và ông chỉ đạo, đây là quy hoạch quan trọng, phải thay đổi cách tiếp cận theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu, không chất tải các cao ốc hai bên bờ sông Hồng.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch. Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô – sông Hồng sẽ là không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế.

Đô thị sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cở sở  lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông… Vì vậy, một quy hoạch chi tiết với thiết kế đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có bản sắc văn hóa cùng những chính sách phát triển minh bạch, tạo điều kiện trong đấu thầu sử dụng đất, trong đầu tư phát triển bất động sản, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hiện thực hóa Đồ án đã được duyệt, đảm bảo sự phát triển bền vững của Thành phố sông Hồng trong tương lai.

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP.Hà Nội, tích hợp vào “Quy hoạch TP.Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong văn bản gửi TP Hà Nội cho ý kiến về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), Bộ NNPTNT không tán thành ở một số điểm: Phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông, di dời các khu dân cư, phương án thoát lũ…

Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Quyết định 1259 về quy hoạch chung Thủ đô phải được điều chỉnh để lấy căn cứ, chỗ dựa điều chỉnh quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, hiện nay nếu chờ điều chỉnh xong Quy hoạch của Quyết định 1259/QĐ-TTG sửa đổi mới điều chỉnh quy hoạch chung sau đó mới điều chỉnh quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ cần nhiều thời gian.

5 ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Tại diễn đàn, các chuyên gia đề xuất: Muộn nhất đầu năm 2022 phải phê duyệt Đồ án quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, không thể chậm trễ, bởi đây là mong mỏi của nhân dân, hiện thực giấc mơ về một thành phố trong sông. Để đồ án có thể được thông qua, một số vấn đề cần sớm được giải quyết gồm:

Thứ nhất: Cụ thể hóa phương án thoát lũ. Với mỗi phương án quy hoạch phải có phương án thoát lũ, giải pháp về công trình đi kèm. Phải làm rõ từng vị trí khi sử dụng đất khu vực ngoài bãi và giải trình cụ thể cho từng vị trí.

Thứ hai: Cần xây dựng kịch bản thích ứng với dòng chảy sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu, và biến động bất thường từ phía thượng nguồn Trung Quốc, nơi có hơn nửa lưu lượng dòng chảy sông Hồng và với gần hai chục đập thủy điện lớn nhỏ. Bởi khi đã đánh giá đúng sẽ có quy hoạch sử dụng mặt nước, đất bãi, khu dân cư, không gian công cộng, không gian xanh… hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hợp lý, an toàn và bền vững. Đảm bảo an sinh cho số lượng lớn cư dân đang cư ngụ nơi đây, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba: Cần có các nhà đầu tư phù hợp, có tầm tham gia; thu hút được nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để tham gia phát triển dự án.

Thứ tư: Đảm bảo mục tiêu hiện đại, kết nối giữa văn hiến, văn minh, và phát triển xanh.

Thứ năm: TP Hà Nội cần yêu cầu UBND các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.