Để hướng tới phát triển bền vững, Quảng Ninh hiện đang mời gọi, thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải theo hướng hiện đại, liên vùng bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
>>>Quảng Ninh siết chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường
>>>Quảng Ninh: Lan toả tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên
Lượng rác thải dự báo tăng
Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh như hiện nay tại tỉnh Quảng Ninh, lượng rác thải liên tục tăng lên. Theo một con số thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh Quảng Ninh là khoảng 1.250 tấn/ngày và cả năm là khoảng 455.300 tấn. Trong đó, khu vực đô thị là 988 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom khoảng 91% (1.133 tấn/ngày).
Dự kiến, đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh sẽ phát sinh khoảng 862.000 tấn/năm (gấp khoảng 2 lần hiện nay); khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 1.585.000 tấn/năm, khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 4.550 tấn/năm, khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh khoảng 211.000 tấn/năm, khối lượng phân bùn bể tự hoại và bùn thải hệ thống thoát nước phát sinh khoảng 100.000 tấn/năm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, đến nay, đối với lượng chất thải rắn sinh hoạt thì có đến 70% tổng lượng chất thải (tương đương 787 tấn/ngày) được xử lý theo phương pháp chôn lấp, 26% tổng lượng chất thải (tương đương 295 tấn/ngày) được xử lý bằng công nghệ đốt; 2-4% lượng chất thải (tương đương 22 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost.
Còn đối chất thải nguy hại, tổng lượng chất thải phát sinh năm 2021 là hơn 8.567 tấn/năm. Trong đó, lượng chất thải lây nhiễm, chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm là hơn 531,5 tấn (chiếm khoảng 6,2%); ngoài ra, lượng chất thải y tế thông thường là gần 2.412 tấn. Hiện 99,84% lượng chất thải nguy hại được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận chuyển, xử lý; 0,16% lượng chất thải nguy hại còn lại (tương đương gần 14 tấn) được thu gom, lưu kho đảm bảo theo quy định chờ xử lý.
Như vậy, tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn ở con số cao; việc phân loại rác thải tại nguồn và tái chế rác thải vẫn chưa được nhiều.
Đưa giải pháp để biến rác thải thành năng lượng
Để nhanh chóng khắc phục những vướng mắc liên quan đến vấn đề rác thải, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá lại công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt một cách chi tiết, cụ thể, mang tính đồng bộ cao, từ công tác lập quy hoạch đến bố trí các điểm trung chuyển, điểm đấu nối, phân công trách nhiệm, công nghệ xử lý...
>>>Doanh nghiệp Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ
>>>Quảng Ninh cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư
Mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh đã khởi động Dự án Xử lý chất thải y tế - Xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng, theo công nghệ tiên tiến của Nhật. Dự án xử lý chất thải hỗn hợp bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế… Dự án đốt rác phát điện do Liên doanh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (Công ty Việt Long) - Công ty Chodai - Tập đoàn Maeda thực hiện.
Theo đó, Công ty Việt Long được lựa chọn để liên doanh với Công ty Chodai Nhật Bản trong việc thực hiện nghiên cứu xây dựng dự án Xử lý Chất thải y tế bằng công nghệ chưng cất khí khô tại Nhà máy xủ lý chất thải sinh hoạt tại thôn Khe Giang, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí từ đầu năm 2017.
Theo ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Long cho biết, do yếu tố dịch COVID-19 nên trong quá trình triển khai dự án tiến độ bị chậm. Bên cạnh đó, Liên doanh Việt Long và Chodai nhận thấy Nhật Bản đã có những thành công lớn trong việc triển khai công nghệ đốt rác thải Y tế và rác thải thông thường, tận dụng nhiệt để phát điện nên đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Công ty Việt Long - Công ty Chodai - Tập đoàn Maeda đến từ Nhật Bản triển khai thực hiện dự án đốt rác thải y tế kết hợp rác thải thông thường phát điện.
Cũng theo ông Thắng, liên doanh sẽ triển khai thực hiện công nghệ tại Nhà máy rác Khe Giang, dựa trên nền tảng công nghệ mới đã được áp dụng tại Thái Lan từ các đối tác Nhật Bản của Việt Long.
Được biết, ngày 16/3/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thư quan tâm gửi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về dự án này. Theo đó, UBND tỉnh đã đồng ý để liên doanh gồm: Công ty Việt Long - Công ty Chodai - Tập đoàn Maeda nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Xử lý chất thải y tế - chất thải sinh hoạt thành năng lượng tại Quảng Ninh.
Phía Bộ Kinh tế, thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã phê duyệt dự án sau thư quan tâm của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, dự án cũng được Chính phủ Nhật Bản đưa vào danh sách 1 trong 14 dự án được Chính phủ bố trí vốn để đầu tư ra nước ngoài trong năm 2022.
Trước đó, ngày 30/11/2016, tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 4012/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 về việc điều chỉnh bổ sung quyết định số 4012/QĐ-UBND.
Trong đó, Khu xử lý chất thải rắn Khe Giang, TP Uông Bí do Công ty Việt Long là chủ đầu tư được quy hoạch thành cụm xử lý chất thải tại khu vực phía Tây của tỉnh gồm: TP Hạ Long, TP Uông Bí, TX Quảng Yên và TX Đông Triều
Được biết, dự án Xử lý chất thải y tế - Xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng sử dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất hiện nay vì có thể xử lý chung cả chất thải y tế và chất thải sinh hoạt, thu hồi nhiệt để chạy tua bin phát điện. Đây cũng là dự án tái tạo năng lượng có thể giảm thiểu phát thải nhà kính qua việc phát điện, đóng góp vào chủ trương trung hoà khí cacbon của Chính phủ Việt Nam.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh) cho biết, quản lý chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển đô thị bền vững.
"Quảng Ninh hiện đang tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư các dự án xử lý rác theo hướng hiện đại, liên vùng; phấn đấu đến năm 2030, 100% các loại chất thải rắn phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc chôn lấp", đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm