Quảng Ninh: Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

MINH HUỆ - HẢI NGÂN 11/04/2023 00:58

Với việc chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Quảng Ninh ngày càng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư trong, ngoài nước; tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế.

>>>Quảng Ninh: Thu hút FDI thu nhiều “trái ngọt”

>>>Đông Triều (Quảng Ninh): Gỡ khó cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng

Thương hiệu Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh là một cực của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỉnh Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về điều kiện vị trí, địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người, đủ tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu ra các thị trường quốc tế rộng lớn, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Liên doanh Indochina Capital và Tập đoàn Kajima khởi công Dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN Bắc Tiền Phong, Thị xã Quảng Yên

Liên doanh Indochina Capital và Tập đoàn Kajima khởi công Dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN Bắc Tiền Phong, Thị xã Quảng Yên

Chỉ tính trong quý đầu I/2023, Quảng Ninh đã thu hút được số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI của cả năm 2023; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt khoảng 8,06%, thu ngân sách ước đạt trên 14.870 tỷ đồng. Con số này đã đưa Quảng Ninh nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc, có những quyết sách tạo đột phá mới trong nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Với những thành công nổi bật trong phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh luôn nằm trong tốp đầu quốc gia về tăng trưởng kinh tế. Không những thế, Quảng Ninh đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 10% liên tục trong 6 năm, từ 2016 đến 2021. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao Quảng Ninh phát triển nhanh, vì sao nhiều doanh nghiệp chọn Quảng Ninh làm điểm đến? Câu trả lời là do nhiều yếu tố, từ tầm nhìn chiến lược phát triển đúng đắn, các chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, đến các thuận lợi về vị trí địa lý, về thiên nhiên, văn hoá, xã hội của Quảng Ninh”

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 – Hội tụ và Lan toả do VCCI phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 – Hội tụ và Lan toả do VCCI phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức

Cũng theo ông Công, có 2 yếu tố đã trở thành lợi thế đặc biệt và thương hiệu của Quảng Ninh. Đó là hạ tầng giao thông hiện đại và về môi trường kinh doanh thuận lợi khi Quảng Ninh là địa phương đã 5 năm liên tiếp từ 2017 đến 2021 đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số PCI. Môi trường kinh doanh thuận lợi đã trở thành thương hiệu và lợi thế lớn của Quảng Ninh, đưa Quảng Ninh thành điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc đứng đầu cả nước về PCI trong 5 năm liên tiếp, cũng cho thấy Quảng Ninh có chính quyền năng động, hiệu quả và thân thiện với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Còn theo ông Hoàng Kim Tinh - Tổng Giám đốc đối ngoại, kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, cho biết, ban đầu, phía công ty chỉ có ý định thực hiện Dự án công nghệ tế bào quang điện, còn Dự án công nghệ tấm silic - nơi sản xuất nguyên liệu đầu vào cho Dự án công nghệ tế bào quang điện để sản xuất sản phẩm cuối cùng là tấm quang năng thì chưa có kế hoạch đặt tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, sau khi tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nhận thấy Quảng Ninh có sự ổn định về phát triển kinh tế, đặc biệt nhất là sự vào cuộc hỗ trợ nhiệt tình của hệ thống chính trị, sự hỗ trợ sau đầu tư, khi gặp khó khăn nên phía doanh nghiệp đã tiếp tục chọn Quảng Ninh là nơi đặt dự án thứ 2.

Không ngừng nỗ lực khẳng định vị thế

Thực tế, không phải bây giờ, mà từ nhiều năm trước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được Quảng Ninh coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên chỉ đạo. Sau mỗi năm công bố PCI, Quảng Ninh đều nhìn lại những chỉ số đã đạt được, những chỉ số chưa được cộng đồng doanh nghiệp hài lòng, để từ đó có chương trình hành động cụ thể khắc phục.

>>>Quảng Ninh: Tăng lợi thế tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

Nhờ đó, cùng với những bước tiến trong bản đồ PCI cả nước, Quảng Ninh đang chuyển mình và phát triển nhanh theo hướng bền vững. Chỉ số PCI luôn duy trì vị trí cao, năm 2016 đạt vị trí thứ 2 và trong 5 năm từ 2017 đến 2021, địa phương này luôn giữ vững vị trí “ngôi vương” trong số các tỉnh, thành phố trong nước; 9 năm liên tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, PCI là kết quả của quá trình kiên trì, nỗ lực, kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các nút thắt, điểm nghẽn để mở ra các cơ hội mới cho phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm Nhà máy Bumjin Electronics tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Ảnh: dichvucong.quangninh.gov.vn)

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm Nhà máy Bumjin Electronics tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Ảnh: dichvucong.quangninh.gov.vn) 

Được biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, gắn công tác cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác định “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”.

Địa phương này cũng không ngừng tìm kiếm, chủ động mở nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, các cơ quan, sở, ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp; mạnh dạn thí điểm các mô hình quản trị mới như: Trung tâm Truyền thông tỉnh; Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA); Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn; tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ với nhiều giải pháp thiết thực như: “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, thực hiện “chăm sóc, phục vụ doanh nghiệp” từ những việc nhỏ nhất. Qua đó, tạo niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng giám đốc công ty CP đô thị Amata Hạ Long cho biết: “Quảng Ninh là một trong những địa phương có có môi trường đầu tư theo hướng mở và thuận lợi nhất ở Việt Nam. Nó đã thể hiện thông qua chỉ số PCI 5 năm liền là quán quân ở Việt Nam. Và tập đoàn Amata của chúng tôi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị, đã có cơ hội đến nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh từ những năm 2015. Năm 2018 đã thành lập KCN Amata tại thị xã Quảng Yên. Trong suốt quá trình đầu tư, chúng tôi đã có rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, từ việc chúng tôi nghiên cứu đầu tư đến giai đoạn triển khai đầu tư”.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Sông Khoai

    Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Sông Khoai

    04:00, 10/04/2023

  • Quảng Ninh: Nhiều trải nghiệm du lịch từ công nghệ 4.0

    Quảng Ninh: Nhiều trải nghiệm du lịch từ công nghệ 4.0

    02:30, 09/04/2023

  • Quảng Ninh: Thu hút FDI thu nhiều “trái ngọt”

    Quảng Ninh: Thu hút FDI thu nhiều “trái ngọt”

    02:16, 09/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO