Thông tin TP.HCM tái khởi động kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm ngay thời điểm đầu năm mới đã nhận được sự quan tâm của dư luận sau thời gian dài xảy ra vụ doanh nghiệp bỏ cọc.
>>Đấu giá đất cần cơ chế đủ “tầm”
Tại Chương trình "Dân hỏi - chính quyền trả lời" mới đây, lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM đã đề cập việc Thành Ủy và UBND TP phê duyệt nội dung kế hoạch đấu giá đất cho khu vực Thủ Thiêm. Theo đó, năm 2024, kế hoạch đấu giá cho các lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu vực ngoài Thủ Thiêm sẽ được xây dựng.
Tái đấu giá 4 lô đất “vàng”
Về trách nhiệm của Sở TN-MT, ông Huỳnh Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho biết, sẽ sớm hoàn chỉnh các khâu liên quan đến đấu giá trong thời gian tới, bởi đây sẽ là nguồn thu trực tiếp từ quỹ đất để tạo nguồn lực phát triển TP.HCM.
Trước đó, vào thời điểm giữa năm 2022, vụ đấu giá 4 lô đất "vàng" tại khu đô thị Thủ Thiêm từng “dậy sóng” thị trường với mức giá trúng đấu giá của một dự án cao nhất lên đến 2,44 tỷ đồng/m2.
>>Vụ đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 ở Mê Linh: Cần bổ sung chế tài xử phạt người bỏ cọc
Tại thời điểm đó, Sở TN-MT TP.HCM đã đề xuất lên UBND TP về việc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 và đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư. Từ cuối tháng 12/2021, có 4 công ty trúng đấu giá, sau đó đã ký kết hợp đồng với các cơ quan chức năng của TP.HCM.
Theo đó, các lô đất này có quy mô khoảng hơn 30.000m2, thuộc khu chức năng số 3 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM). Trong đó, tổng giá khởi điểm của những lô đất này là 5.300 tỷ đồng, với giá đấu thành công đã thu về cho ngân sách TP là 37.346 tỷ đồng.
Sau đó, 2 doanh nghiệp đã yêu cầu bỏ cọc cho hai lô đất, trong khi 2 doanh nghiệp còn lại đã vượt quá thời hạn 180 ngày mà vẫn không nộp tiền theo thông báo của Cục Thuế TP.HCM. Tổng số tiền đặt cọc của 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm là 1.051 tỷ đồng. Như vậy, kết quả là cuộc đấu giá bốn lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm đã bị hủy và cơ quan quản lý thuế phải tiến hành xử lý số tiền đặt cọc cũng như tiền cưỡng chế thuế...
Vào hồi tháng 7/2023, Sở TN-MT TP.HCM đã đề xuất lên UBND TP về việc đấu giá trở lại 4 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 (đã từng đấu giá thành công vào năm 2021 nhưng doanh nghiệp bỏ cọc) và đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư.
Cần chờ nghị định mới ban hành
Liên quan đến thông tin đấu giá đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ kế hoạch phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất quỹ đất đang bị bỏ hoang để sớm đưa vào khai thác, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho TP trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá đất ngay năm 2024 này có thể chưa phù hợp và dường như TP thông qua kế hoạch đấu giá lại mà chưa nói đấu giá ngay.
Bởi lẽ, nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014 quy định về giá đất đang được chỉnh sửa để Chính phủ ban hành sớm. Do đó, nên chờ có nghị định sửa đổi rồi hãy xác định giá khởi điểm đấu giá. Bên cạnh đó, nghị định sửa đổi sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong cách tính giá thuê đất tại nhiều địa phương.
Theo ông Châu, hiện rất nhiều yếu tố phát sinh gặp vướng mắc phải chờ sửa đổi nghị định mới khai thông được. Đồng thời, mức giá cũ đưa ra đối với các lô đất đấu giá quyền sử dụng đất trước đây (năm 2021) không còn giá trị pháp lý nữa, do vậy cũng không có giá trị tham khảo để đưa ra mức giá mới khi nghị định sửa đổi chưa hoàn thành.
Ông Châu cho biết, giá khởi điểm đấu giá cho các lô đất mới này phải là mức giá khác, được rà soát dựa trên nghị định mới ban hành sau này. Hơn nữa, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản vẫn chưa được thông qua và có thể không kịp ban hành trong năm nay.
"Chính phủ cũng đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Giả sử dự thảo luật Đất đai được Chính phủ trình, Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới (tháng 6) thì luật mới chính thức có hiệu lực cũng từ ngày 1.1.2025. Cho nên, từ nay đến cuối năm 2024, phải có nghị định sửa đổi Nghị định 44 và một số nghị định khác" - ông Châu nhấn mạnh.
Theo LS. Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, thời gian vừa qua, việc tổ chức đấu giá đất thường gặp phải tình trạng bỏ cọc hay thậm chí nhầm lẫn khi đấu giá. Điều này đã khiến thị trường bất động sản gặp nhiều biến động, ảnh hưởng đến giao dịch cũng như các nhà đầu tư tham gia.
Do đó, việc đấu giá các lô đất trọng điểm cần được thực hiện một cách thận trọng. Đặc biệt, cần xử lý kịp thời những lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu giá đất nhằm tạo thị trường bất động sản lành mạnh và phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2024, bất động sản Hải Phòng có khởi sắc?
10:41, 11/01/2024
Thời điểm cho nhà đầu tư bất động sản xuống tiền?
03:00, 11/01/2024
Điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi 2023
09:07, 10/01/2024
Kỳ vọng “gỡ van” tín dụng bất động sản
03:00, 10/01/2024
Khơi thông nguồn vốn bất động sản
15:35, 09/01/2024