TS Nguyễn Đức Thành khẳng định hai kịch bản tăng thuế VAT của Bộ Tài chính sẽ tác động khác nhau lên các nhóm hộ gia đình.
Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa đổi luật thuế Giá trị gia tăng, trong đó phương án 1 tăng từ 5% lên 6% và từ 10% tăng lên 12%. Phương án 2 tăng các mặt hàng có thuế suất 5% lên 10%. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách.
Theo dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
Có thể bạn quan tâm
15:19, 28/06/2018
05:34, 13/04/2018
06:05, 09/01/2018
05:00, 23/09/2017
- Ông có đánh giá như thế nào về 2 kịch bản tăng thuế mà Bộ Tài chính đang đưa ra?
Tôi cho rằng, hai kịch bản tăng thuế VAT sẽ tác động khác nhau lên các nhóm hộ gia đình. Kết quả cho thấy là phương án thứ nhất có tác động mạnh hơn lên hộ gia đình so với phương án thứ hai. Cụ thể phương án thứ nhất làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,89%, còn phương án hai sẽ làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,32%.
Với hai phương án tính thuế này thì các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo. Các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động về nghèo đói.
- Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại khẳng định rằng, việc tăng thuế sẽ bù lại sự hụt thu ngân sách, ông nghĩ sao về điều này?
Ở thời điểm hiện tại thì VAT đúng là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Trong dài hạn thì việc nâng cao hiệu quả chi ngân sách mới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng.
Đồng thời, việc tăng thuế VAT làm giảm chi tiêu và thu nhập thực tế của các hộ gia đình nói chung. Vì vậy, phương án tăng thuế suất VAT tác động không đáng kể đến sản lượng và GDP do sự giảm xuống trong tiêu dùng của các hộ gia đình được bù đắp bởi đầu tư gia tăng và mức độ tác động của việc tăng thuế VAT cũng thay đổi theo các nhóm xã hội khác nhau và tùy thuộc vào cách thức tăng thuế VAT.
- Vậy theo ông, nên điều chỉnh thuế VAT thế nào cho phù hợp?
Liên quan đến hai phương án trong nghiên cứu này thì phương án thứ hai, tức là áp dụng mức thuế VAT 10% cho các mặt hàng (trừ y tế và giáo dục), có tác động lên nghèo đói thấp hơn phương án thứ nhất, và việc áp dụng thuế suất chung cũng tạo thuận lợi cho việc thu thuế. Tuy nhiên phương án hai cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ có thu nhập thấp.
Do vậy nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.
- Cuối cùng, theo ông nhà nước lên làm gì để cân bằng nguồn thu ngân sách, thưa ông?
Để đảm bảo cân đối thu chi, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế.
Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy. Hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước quyết liệt hơn nữa. Việc tăng thuế phải được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước để có mức tăng cho phù hợp.
Chi thường xuyên luôn ở mức cao, trong khi thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại khi Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại song phương hay đa phương. Do đó, Chính phủ buộc phải tăng thu nội địa như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu về nhà đất… để bù đắp cho sự suy giảm tỷ trọng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu và từ dầu thô.
Còn trong trường hợp “bất đắc dĩ” phải tăng thuế thì ban soạn thảo cần giải pháp khác nữa tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra để tránh tập trung vào đối tượng phổ thông, yếu thế.
- Xin cảm ơn ông!