Việc giảm ngưỡng thanh toán không tiền mặt xuống còn 5 triệu đồng trong điều kiện khấu trừ thuế VAT là một bước đi chiến lược, góp phần siết chặt quản lý thuế và thúc đẩy thanh toán số.
Từ ngày 1/7/2025, theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP, các doanh nghiệp chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào nếu có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch mua hàng từ 5 triệu đồng trở lên, thay vì mức 20 triệu đồng như trước.
Cụ thể, tại Điều 26 của Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó quy định rõ điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Theo đó, để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, cơ sở kinh doanh phải có hóa đơn VAT hợp lệ và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 5 triệu đồng đã bao gồm thuế VAT, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được công nhận bao gồm các chứng từ chứng minh việc thanh toán qua ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, như chuyển khoản, séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, ví điện tử... theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP. Đáng chú ý, nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán không được coi là thanh toán không dùng tiền mặt để đủ điều kiện khấu trừ thuế.
Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, việc điều chỉnh giảm ngưỡng từ 20 triệu đồng xuống 5 triệu đồng nhằm minh bạch hóa các giao dịch có trị giá lớn đồng thời ngăn chặn tình trạng chia nhỏ hóa đơn - một “chiêu trò” thường được dùng để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế trong thời gian qua.
"Thay đổi này không làm khác đi bản chất của quy định mà chỉ giảm mức giới hạn. Mỗi giao dịch phát sinh từ 5 triệu đồng trở lên thì người thực hiện giao dịch phải chuyển khoản. Đây là điểm mấu chốt của sự thay đổi này", ông Sơn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Thuế cũng kỳ vọng quy định mới sẽ giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn, hạn chế thất thu ngân sách và nâng cao tính minh bạch trên thị trường.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với nội dung trên, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, cho rằng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Đây là một trong những công cụ hiệu quả để hướng tới nền kinh tế số, bởi không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành, mà còn nâng cao khả năng giám sát, minh bạch hóa dòng tiền, đồng thời giảm mạnh chi phí in ấn và lưu thông tiền giấy.
“Việc hạ mức bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt từ mức 20 triệu đồng xuống 5 triệu đồng phải có hóa đơn chứng từ để được khấu trừ thuế là cú hích, là cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đề ra để hướng tới nền kinh tế số”, ông Được nhấn mạnh.
Chuyên gia khẳng định, quy định không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng trốn thuế, gian lận thuế, mà còn giúp ngăn chặn tình trạng chia nhỏ giao dịch để mua bán hóa đơn, gian lận trong việc mua bán hóa đơn; chủ trương này cũng phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm hướng tới năm 2026 sẽ xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh.
Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas cho biết, chủ trương này đã được Bộ Tài chính nghiên cứu từ năm 2017, với mục tiêu hướng đến là thúc đẩy hoạt động thanh toán qua ngân hàng, từ đó, giúp ngăn chặn gian lận thuế, trốn thuế hay gian lận trong việc hoàn thuế VAT, thậm chí là phòng chống rửa tiền.
Việc giảm ngưỡng xuống dưới 5 triệu đồng là phù hợp với định hướng của Chính phủ, đồng thời tạo ra bước đệm giúp doanh nghiệp làm quen dần với thay đổi, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa nơi hạ tầng thanh toán còn hạn chế. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng, doanh nghiệp cần chủ động thích nghi, bởi chính sách này không chỉ phục vụ yêu cầu quản lý thuế mà còn mang lại lợi ích lâu dài, giúp nâng cao hệ thống quản trị nội bộ, tránh sai sót, minh bạch hóa hoạt động tài chính.