Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có “hình hài”, nên ưu đãi thuế để có đủ có thời gian “nuôi dưỡng”, đồng thời tạo thêm sức mạnh nội sinh cho ngành.
PGS.TS Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Công nghiệp Việt Nam chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về đề xuất của Bộ Tài chính với Chính phủ kéo dài thời gian ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô.
- Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô cho giai đoạn sau năm 2022?
Tiếp tục ưu đãi sẽ tạo cơ hội cạnh tranh tốt hơn cho ngành sản xuất ô tô Việt Nam. Vì hiện nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có “hình hài”, một số doanh nghiệp lớn như Trường Hải, VinFast... đã có thị phần. Nếu ưu đãi này không “đụng chạm” đến các cam kết thương mại thì sẽ có tác dụng tích cực cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giảm được chi phí cơ hội. Bởi hiện nay giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam còn cao, do không làm chủ được công nghệ nguồn, phải nhập khẩu thiết bị linh kiện là chủ yếu.
Do đó, cần có thời gian “nuôi dưỡng” doanh nghiệp trong nước để tăng sức cạnh tranh, lúc này ưu đãi thuế mới có tác động tích cực đến ngành sản xuất ô tô trong nước, tạo thêm sức mạnh nội sinh của ngành công nghiệp Việt Nam.
- Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp xe ô tô sẽ góp phần hỗ trợ thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì sản xuất. Ông bình luận như thế nào về ý kiến trên?
Việc ưu đãi thuế có tác động đến việc giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của ô tô nội địa. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi thuế chỉ đem lại cơ hội giảm chi phí đối với các nhà sản xuất trong nước, chứ không tác động đến thị trường tiêu dùng.
Vì doanh nghiệp có thể sản xuất ô tô với giá rẻ do chi phí thấp, nhưng trong thời điểm COVID-19 đang căng thẳng thì người mua cũng sẽ không tăng nhiều. Như vậy, ưu đãi không có tác động đến giá bán xe thị trường, hoặc nếu có cũng chỉ gián tiếp ảnh hưởng, chính sách này chỉ có tác động trực tiếp là tạo cơ hội đầu tư, nâng cao công nghệ nguồn, thúc đẩy sức cạnh tranh. Còn đối với cạnh tranh bằng dung lượng thị trường lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như tình hình kinh tế, xã hội, thói quen, tập tục, tình hình giao thông...
Nếu đường sá thường xuyên tắc nghẽn thì người tiêu dùng sẽ hạn chế mua xe. Thậm chí sản xuất ra nhiều ô tô có khi còn “kéo” thị trường đi xuống do tắc đường và thiếu điểm gửi xe. Khi phân tích thị trường phải tính đến khía cạnh người tiêu dùng (bên cầu). Như vậy, ưu đãi thuế chỉ mang lại hiệu quả cho các nhà sản xuất ô tô (bên cung).
Tuy nhiên, về lý thuyết việc nhận ưu đãi thì các hãng nội địa sẽ giảm được chi phí nên có thể giảm giá bán để tăng cạnh, nhưng chủ yếu là để cạnh tranh với các “đối thủ”, nên không thể làm cho thị trường “ấm lên”. Bên cạnh đó, việc giảm thuế sẽ không tác động nhiều đến giá thành, dẫn đến ảnh hưởng giá cả của xe không lớn.
- Đứng trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay, Hiệp hội VAMA và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã kiến nghị xoá bỏ điều kiện về sản lượng tối thiểu để tham gia Chương trình, hoặc thực hiện điều chỉnh giảm mức sản lượng cho phù hợp với bối cảnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đề xuất này có điểm hợp lý và không hợp lý. Với thị trường cạnh tranh tự do thì không nên hạn chế, doanh nghiệp sản xuất số lượng ít thì chấp nhận chi phí cao, không cạnh tranh được thì phải dừng lại. Còn ở góc độ nguồn lực đầu tư xã hội, nếu các doanh nghiệp quá nhỏ thì cũng không nên tham gia thị trường, mà để các tập đoàn lớn có chuyên môn hóa cao, sản xuất số lượng lớn, khi đó mới giảm được chi phí và nâng cao chất lượng. Với bất cứ ngành nào cũng đều phải liên quan đến sản lượng tối thiểu, đặc biệt với ngành sản xuất ô tô còn yêu cầu có đường thử, đây là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, việc bắt buộc có đường thử đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ phải “hụt hơi”.
Như vậy, sản xuất ô tô là ngành công nghiệp quy mô, phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, quy mô sản xuất đủ lớn để sản xuất theo dây chuyền, tăng quy mô nhằm giảm chi phí cố định thì mới “chịu đựng nổi”. Còn sản xuất vài trăm xe/năm thì thua lỗ và phá sản là nhìn thấy ở ngay trước mắt. Nên việc khống chế số lượng cũng có lý do vì dẫn đến lãng phí đầu tư xã hội và tránh đầu tư tràn lan.
Đơn cử, “cường quốc” ô tô như Đức cũng chỉ có 4 hãng, như Mercedes, BMW, Volkswagen và Audi. Tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ còn một số nhà sản xuất lớn có đủ tiềm lực, nhân lực, vật lực tham gia vào lĩnh vực này. Thực tế, với những nhà sản xuất nhỏ dù có tạo mọi ưu đãi thì cũng không giải quyết được vấn đề đối với một lĩnh vực đòi hỏi phải có quy mô lớn.
- Ông có đề xuất gì về việc kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn sau năm 2022?
Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là khâu triển khai thực hiện phải đúng và trúng. Ví dụ, ưu đãi đúng nhóm chi tiết linh kiện nào, ưu đãi ở mức nào thì phù hợp và đúng với thực trạng mà doanh nghiệp đang cần. Khi triển khai phải đảm bảo tính mau lẹ, kịp thời và linh hoạt.
- Xin cảm ơn ông!
Ngày 3/8, Bộ Tài chính cho biết dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp xe ô tô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng kể từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.
Có thể bạn quan tâm