Cắt giảm nhân sự, tiến độ xây dựng bị chậm lại, hàng tồn kho tăng cao… là tình trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh kinh doanh không hiệu quả, thiếu hụt nguồn vốn nghiêm trọng.
>>Vốn tín dụng chỉ là một kênh để phát triển thị trường bất động sản
Hơn 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn phục hồi, thăng hoa và hiện đang bước vào giai đoạn khó khăn. Báo cáo tại buổi chất vấn chiều 3/11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, thị trường sắp tới sẽ khó khăn khi nguồn cung vừa quá thiếu vừa quá thừa so với nhu cầu, chính sách tín dụng thắt chặt.
Chia sẻ mới đây, ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc R&D DKRA Group cho biết, kiểm soát tín dụng cũng như siết chặt các quy định tiếp cận vốn bằng kênh trái phiếu khiến thị trường địa ốc rơi vào cơn khát vốn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang cạn vốn.
Ghi nhận mới đây từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động.
Theo HoREA, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đói vốn nên phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao. Có trường hợp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu đến 40% giá hợp đồng.
Các chuyên gia cũng nhận định những khó khăn này đến từ việc bị siết tín dụng ngân hàng, bị kiểm soát phát hành trái phiếu, lãi vay tăng và nhất là thanh khoản sản phẩm bị sụt giảm suốt nhiều tháng qua. Tất cả những yếu tố này đang đẩy doanh nghiệp bất động sản vào “cơn khát” vốn nghiêm trọng.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa chia sẻ, khi doanh nghiệp vẫn còn đói vốn, tiền mặt khan hiếm thì làn sóng giảm giá nhà ở sẽ kéo dài đến hết năm nay và thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn đến quý II/2023.
>>Không để bất cập chính sách làm lãng phí tài sản nhà ở công nhân
Trao đổi với DĐDN, TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cho rằng, bối cảnh hiện tại các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
“Nếu giờ doanh nghiệp bất động sản vay thêm vốn từ tín dụng, từ trái phiếu mà vẫn không bán được hàng, tỷ lệ nợ sẽ càng tăng, sức ép tài chính lớn hơn nhiều. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chọn tái cấu trúc bằng cách “hi sinh” dự án, lĩnh vực không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, giảm nợ vay, chỉ tập trung một vài dự án chủ lực của mình để phát triển” – ông Hiển cho biết.
Ở khía cạnh chính sách tài khóa, vị chuyên gia kiến nghị cần có các nguồn lực nhất định giúp thị trường vượt qua giai đoạn khó. Đó có thể là một nguồn vốn nhất định cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất cho mgười lao động chưa có nhà được vay để mua căn hộ, hoặc nhà ở theo tiêu chuẩn trung cấp trở xuống.
Điều này sẽ tạo dòng tiền mới cho thị trường, vừa kết hợp người dân mua nhà để ở theo tinh thần tự chọn lựa căn nhà phù hợp. Nguồn vốn này trước mắt chỉ tập trung ở những vùng phù hợp với giá trị kinh tế phát triển, chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm, không để dòng tiền chảy tiếp vào bất động sản đầu cơ, lướt sóng.
Trong khi đó, ở phương diện doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng kiến nghị Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách công tác quy hoạch phải thực hiện một cách kịp thời để tạo ra quỹ đất, tạo ra bộ mặt của đô thị, giúp các doanh nghiệp có điều kiện chọn được những quỹ đất để phát triển dự án. Nhất là đối với các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội hoặc cho người có thu nhập trung bình.
Đồng thời, cần phải đánh giá lại các doanh nghiệp, ai tạo ra những sản phẩm phù hợp, cần cho thị trường thì phải ưu tiên về tín dụng để tạo nguồn cung cho thị trường, tạo ra dòng tiền và kéo theo sự phát triển của hàng chục ngành nghề khác.
Có thể bạn quan tâm