Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng, các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng phía trước.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn
Sau một năm 2023 đầy khởi sắc, ngành dược phẩm, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn trong 10 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là ở quý I và II. Theo Vietnam Report, tỷ lệ các doanh nghiệp ghi nhận kỳ kinh doanh đi lùi tăng đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận từ 21,1% (2023) lên 37,5% (2024).
Các yếu tố như giá nguyên liệu đầu vào biến động, sức mua suy giảm do xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân, và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đã góp phần làm cho bức tranh doanh thu và lợi nhuận trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, một số sản phẩm từng hỗ trợ tích cực trong giai đoạn chống dịch nay lại gặp khó khăn trong việc luân chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, triển vọng của ngành dược phẩm, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe Việt Nam trong tương lai cũng đầy lạc quan. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IQVIA, Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến đạt 6-8% từ 2023-2028. Trong khi đó, thị trường thiết bị y tế cũng ghi nhận sự phát triển ổn định, với doanh thu tăng từ 922 triệu USD (2016) lên dự kiến 2,5 tỷ USD (2029).
Động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành bao gồm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ với Luật Dược sửa đổi và các nghị định mới tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, với việc Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, với nhu cầu ngày càng lớn đối với các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng ngày càng chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tật, kéo theo sự gia tăng chi tiêu cho dược phẩm. Hơn nữa, sự hội nhập quốc tế cũng đang mở ra cơ hội hợp tác, tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam.
Hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp?
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, ngành vẫn đối mặt với nhiều rào cản lớn. Việc thiếu các khu công nghiệp dược tập trung, năng lực kỹ thuật và công nghệ còn hạn chế. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư khiêm tốn, khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, những thách thức từ công nghệ khiến cho việc chuyển đổi từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học đòi hỏi năng lực nghiên cứu và công nghệ cao, tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp nội địa.
PGS.TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế từng nhấn mạnh trong một hội thảo về ngành dược rằng, thị phần thuốc sinh học sẽ chiếm khoảng 40% thị trường dược phẩm toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, nghiên cứu và phát triển thuốc sinh học, cũng như xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế như EU-GMP.
Trong khi đó, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành xu hướng quan trọng trong ngành dược phẩm Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành cần nhanh chóng nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sản phẩm và tích hợp công nghệ vào vận hành và tiếp thị, mới có thể duy trì sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế và phát triển hạ tầng cũng là một trong những hướng đi chiến lược cần xem xét. Dự án Khu công nghiệp Dược sinh học tại Thái Bình vừa qua là một ví dụ điển hình về việc thu hút đầu tư nước ngoài. Dự án này dự kiến trở thành trung tâm sản xuất và chuyển giao công nghệ lớn đầu tiên tại Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành dược phát triển hệ sinh thái đồng bộ.
Bà Võ Thị Tuấn Anh - Chủ tịch Newtechco Group, một trong những doanh nghiệp liên danh xây dựng KCN Dược sinh học tại Thái Bình, cũng đã từng nhấn mạnh rằng, để thu hút được những tập đoàn dược phẩm và công nghệ sinh học đến đầu tư thì cần phải có khu công nghiệp chuyên ngành hiện đại, đồng bộ theo hướng đạt chuẩn xanh trên thế giới.
Nhìn chung, ngành dược phẩm, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Hy vọng với sự hỗ trợ từ Chính phủ cùng các chính sách mới là cơ sở vững chắc để ngành phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế nội tại và tìm kiếm giải pháp sáng tạo để vươn tầm quốc tế, góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ chăm sóc sức khỏe toàn cầu.