Việt Nam hoan nghênh châu Âu giải quyết vấn đề Biển Đông theo UNCLOS

BẢO LAM 02/10/2020 04:30

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)".

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, chiều 1/10. 

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với Công hàm liên quan đến Biển Đông được Phái đoàn các nước Anh, Pháp và Đức tại Liên hợp quốc đưa ra ngày 16/9/2020 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau”.

Theo đó, Việt Nam cho rằng, các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là điều rất đáng hoang nghênh. Và để thực hiện điều này, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là thiết yếu.

“Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 rằng: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”. - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

“Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước bao gồm các đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”. – Bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh được cho là sẽ tới Biển Đông vào năm tới - Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh được cho là sẽ tới Biển Đôngvào năm tới - Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh

Trước đó, các nước Pháp, Anh và Đức gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc (LHQ). Đây là lần đầu tiên cả 3 nước cùng gửi một công hàm (Joint Note verbale) có chung nội dung liên quan đến Biển Đông và Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) tới Tổng thư ký LHQ.

Trong công hàm chung, 3 nước Pháp - Anh - Đức nhấn mạnh tính chất toàn cầu và nhất quán của UNCLOS trong việc thiết lập một khung pháp lý xác định các vùng biển và thực thi các hoạt động biển trên toàn thế giới. Công hàm nhấn mạnh sự toàn vẹn thống nhất của Công ước trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời khẳng định các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể biểntheo UNCLOS. 

Theo các chuyên gia, phản ứng của 3 nước có hai ý nghĩa. Một mặt, các nước này không công nhận lập luận của Trung Quốc là đã có một tập quán quốc tế về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng quần đảo cho các quần đảo của quốc gia ven bờ. 

Mặt khác, Pháp, Anh và Đức cũng khẳng định các quy định về chế độ pháp lý của các đảo theo điều 121 của UNCLOS là áp dụng cho các địa thể đất nổi hình thành tự nhiên. Vì vậy, các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể theo UNCLOS. Đây cũng là kết luận của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 và nội dung các công hàm của Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Australia và Mỹ gần đây.

Điều này có ý nghĩa bác bỏ “vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa” trong “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa”.  Văn bản này từng được ban hành năm 1974 và Trung Quốc đã sửa đổi mở rộng nhằm nội hóa vùng biển giữa Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa từ 1/8/2020, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở quyền tự do đi lại của tàu thuyền quốc tế. 

Chia sẻ về vấn đề này, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết nước này cùng gửi công hàm lên Liên hợp quốc nhằm tái khẳng định quan điểm đề cao luật quốc tế ở Biển Đông. "Đức muốn các vấn đề ở Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS)", Đại sứ Hildner nói trong họp báo ngày 30/9 tại Hà Nội.

Đại sứ Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết UNCLOS là công ước toàn diện, bao gồm định nghĩa về vùng biển, chủ quyền và biện pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Tất cả các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải đều ảnh hưởng đến việc duy trì thương mại giữa các nước, trong đó có Đức. Bên cạnh đó, Đức cũng có trách nhiệm lên tiếng vì là thành viên của UNCLOS. Quan điểm của Đức đã được nêu ra từ lâu. "Khi có tranh luận căng thẳng giữa các nước ven Biển Đông, chúng tôi cần nhắc lại quan điểm. Các lý lẽ mới trong tranh luận không làm thay đổi chủ trương của chúng tôi", ông Hildner nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc, Philippines “đồng sàng dị mộng”

    06:00, 30/09/2020

  • Gác tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc: Philippines đang bị "dắt mũi"?

    14:31, 29/09/2020

  • Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông: Lan toả sức mạnh chính nghĩa!

    05:01, 23/09/2020

  • Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông: Trung Quốc ngày càng bất lợi!

    05:30, 21/09/2020

  • Trung Quốc nên từ bỏ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông

    05:00, 21/09/2020

  • Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông ngày càng "gay cấn"

    07:03, 20/09/2020

  • Trung Quốc đang làm cạn kiệt hải sản ở Biển Đông như thế nào?

    05:00, 17/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam hoan nghênh châu Âu giải quyết vấn đề Biển Đông theo UNCLOS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO