Vực dậy kinh tế (Bài 3): Bộ ba "tiền, lãi suất và chất xám" của ông Trump

NGUYỄN CHUẨN 12/06/2020 06:15

Vừa qua, Donald Trump đưa ra ý tưởng tập hợp hơn 200 “bộ não” hàng đầu từ các ngành và bộ phận khác nhau tìm kiếm sự tư vấn và khuyến nghị về cách phục hồi nền kinh tế Mỹ.

"Đây là những cái tên mà tôi nghĩ là sáng giá nhất của nước Mỹ thời điểm hiện tại. Và hy vọng họ sẽ cho chúng ta một số ý tưởng", Trump nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày của Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo về kế hoạch phục hồi nền kinh tế Mỹ. Ảnh Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo về kế hoạch phục hồi nền kinh tế Mỹ. Ảnh Getty

Những người đó là ai? Có thể “điểm mặt chỉ tên” một số những CEO nổi tiếng của các tập đoàn công nghệ và sản xuất hàng đầu của Mỹ.

Đó là Sundar Pichai CEO của Google, Satya Nadella CEO của Microsoft, Arvind Krishna của IBM và Sanjay Mehrotra của Tập đoàn công nghệ Micron. Ngoài ra còn kể đến các thành viên khác của nhóm như là Tim Cook của Apple, Larry Ellison của Oracle và Mark Zuckerberg của Facebook, Ellon Musk của Tesla, Mike Manley của Fiat Chrysler …

Tất cả những bộ não hàng đầu này được chia thành nhiều nhóm khác nhau, từ nông nghiệp, ngân hàng, xây dựng, lao động, quốc phòng, năng lượng, dịch vụ tài chính, thực phẩm và đồ uống, y tế, khách sạn, sản xuất, bất động sản, bán lẻ, công nghệ, viễn thông, giao thông vận tải, thể thao và các nhà lãnh đạo tư tưởng.

Những nhóm này có nhiệm vụ tư vấn, khuyến nghị và vạch ra “con đường hướng tới một tương lai thịnh vượng vô song” của nước Mỹ, đồng thời hỗ trợ cho nước Mỹ vượt qua thời điểm khủng hoảng này.

Nền kinh tế toàn cầu và nước Mỹ đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái năm 2008 và mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế(IMF) đã cảnh báo sự sụt giảm GDP toàn cầu ở vào mức 3% trong năm 2020. Chỉ tính riêng nước Mỹ, sự sụt giảm có khả năng lên đến 4,8%.

Các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách nước Mỹ đang cho rằng, để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ về sức khỏe và kinh tế này, nước Mỹ cần phải thực hiện một cách nhanh chóng và nghiêm túc các kế hoạch đã vạch ra, trong đó bao gồm gói kích thích kinh tế của Nhà Trắng và sự linh hoạt trong vận dụng chính sách lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Gói kích thích kinh tế mới 3 nghìn tỷ USD có đủ?

Trước đó, một thỏa thuận giữa chính quyền Donald Trump và Quốc hội Mỹ về gói tài chính trị giá 2,2 nghìn tỷ USD, tương đương với gần 10% GDP, dành cho việc trợ cấp thất nghiệp và an sinh xã hội của Mỹ đã được giải ngân một cách nhanh chóng đến người dân và các doanh nghiệp nhỏ.

Nước Mỹ với hàng triệu người thất nghiệp hàng tuần và tình hình bạo loạn gần đây đang khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào sự khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng. Ảnh Reuter

Hàng triệu người thất nghiệp hàng tuần và tình hình bạo loạn gần đây đang khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào sự khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng (Ảnh Reuter)

Theo đó, gói giải cứu kinh tế của chính quyền Trump thì những cá nhân có thu nhập từ 75.000 USD một năm trở xuống sẽ được chuyển thẳng một lần 1.200 USD/người và những cặp vợ chồng có tổng thu nhập từ 150.000 đô la/người trở xuống sẽ nhận 2.400 USD. Các gia đình nhận được số tiền này cũng sẽ đủ điều kiện nhận thêm 500 USD cho mỗi đứa trẻ.

Tuy nhiên, có vẻ với gói kích thích kinh tế khổng lồ đó vẫn chưa đủ để giải cứu nền kinh tế Mỹ đang chìm sâu trong khủng hoảng.

Giữa tháng 5 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã phải tiếp tục thông qua một gói kích thích kinh tế mới lên đến 3 nghìn tỷ USD để cứu trợ và vực dậy nền kinh tế nước này như lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói: “Nước Mỹ đảm bảo rằng sẽ luôn quan tâm đến tất cả người Mỹ, đảm bảo một đất nước mạnh mẽ và với sự thịnh vượng hơn. Đó là lý do tại sao Nhà Trắng tập trung vào sự phát triển toàn diện và các cứu trợ khác”.

Theo nguồn tin từ CNBC, dự luật có tên: "Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe" này bao gồm hàng loạt điều khoản nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó các tầng lớp như nông dân, chính quyền các địa phương, nhân viên chăm sóc y tế, các sinh viên đang phải vay tiền đi học. .. đều nhận được hỗ trợ.

Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, các gói cứu trợ của Mỹ chỉ có thể giúp người dân và doanh nghiệp “qua cơn đói” mà chưa đem lại một sự hỗ trợ tái thiết mạnh mẽ và đúng hướng cho nền kinh tế nước này sau đại dịch.

Sự hỗ trợ từ FED

Thời điểm này, nước Mỹ cần sự chung tay từ FED và mới đây, Cục Dự trữ Liên bang cho biết rằng họ sẽ giữ lãi suất chuẩn gần bằng 0 cho đến năm 2022 để giúp nền kinh tế nước Mỹ vượt qua cơn sóng gió trong đại dịch COVID-19. 

Theo đó, ngoài việc cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0, FED cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu để duy trì dòng tín dụng và nhắm mục tiêu mua vào kho bạc ở mức 80 tỷ USD mỗi tháng, chứng khoán được thế chấp ở mức 40 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch FED Jeremy Powell

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch FED Jerome Powell.

Nước Mỹ hiện tại với hàng triệu người mất việc và ngày càng nhiều người bị thiếu tiền mặt nghiêm trọng, tỷ lệ vay thấp nhất trong lịch sử đang có những hỗ trợ cần thiết nhất trong việc cứu giúp người dân và các doanh nghiệp nước này từng bước thoát khỏi khủng hoảng.

Mặc dù lãi suất của Quỹ Liên bang vốn là thứ mà các ngân hàng tính cho nhau khi cho vay ngắn hạn, không phải là tỷ lệ mà người tiêu dùng phải trả, tuy nhiên, động thái của FED vẫn ảnh hưởng đến lãi suất vay và tiết kiệm mà họ thấy hàng ngày.

Vào đầu tháng ba vừa qua, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức 0% -0,25%, trong đó mục đích cuối cùng là hỗ trợ nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Với tỷ lệ lãi suất này được coi như là một chuẩn mực cho vay ngắn hạn của ngân hàng và cũng là một hướng dẫn cho hầu hết các khoản vay tiêu dùng.

Jerome Powell, Chủ tịch của FED cho biết, các dự đoán kinh tế được thực hiện với “kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế bắt đầu từ nửa cuối năm nay và kéo dài trong vài năm tới, sẽ được hỗ trợ bởi lãi suất vẫn ở mức hiện tại gần như bằng không”.

Có thể bạn quan tâm

  • Vực dậy kinh tế (Bài 1): EU với công cụ

    Vực dậy kinh tế (Bài 1): EU với công cụ "Coronabonds" và định chế ECB

    06:30, 04/06/2020

  • Vực dậy kinh tế: (Bài 2) Châu Á làm gì để “tỉnh giấc” sau COVID-19?

    Vực dậy kinh tế: (Bài 2) Châu Á làm gì để “tỉnh giấc” sau COVID-19?

    06:30, 11/06/2020

  • Kinh tế Mỹ lên hay xuống còn trông chờ vào COVID-19

    Kinh tế Mỹ lên hay xuống còn trông chờ vào COVID-19

    06:00, 08/06/2020

  • [eMagazine] Ba giai đoạn mở cửa kinh tế Mỹ

    [eMagazine] Ba giai đoạn mở cửa kinh tế Mỹ

    15:11, 18/04/2020

  • Lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ

    Lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ

    07:00, 21/08/2019

  • Kinh tế Mỹ 2019 (Kỳ I): Giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng

    Kinh tế Mỹ 2019 (Kỳ I): Giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng

    11:01, 13/03/2019

  • Kinh tế Mỹ 2019 (Kỳ II): Những bằng chứng từ nền kinh tế thực

    Kinh tế Mỹ 2019 (Kỳ II): Những bằng chứng từ nền kinh tế thực

    13:19, 18/03/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vực dậy kinh tế (Bài 3): Bộ ba "tiền, lãi suất và chất xám" của ông Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO