Người ta đang được chứng kiến quy mô và hậu quả về sức khỏe và kinh tế của đại dịch COVID-19 là chưa từng có. Châu Á làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng này?
COVID-19 và cuộc suy thoái chưa từng thấy!
Sự mất mát về con người trong đại dịch này là rất lớn. Hơn 400.000 trường hợp tử vong và nhiều hơn 7 triệu người nhiễm bệnh đã được ghi nhận trên toàn thế giới vào thời điểm hiện nay. Ở một số quốc gia, sự lây lan đã ít nhiều được ngăn chặn và khóa chặt.
Tuy nhiên, ở những nơi khác, đặc biệt là những nơi có hệ thống y tế và quản trị không đầy đủ, sự lây lan và tử vong sẽ còn tiếp tục. Trong nhiều nước, ngay cả khi được kiểm dịch và phong tỏa, vẫn có khả năng sẽ xuất hiện nguy cơ đợt lây nhiễm thứ hai hoặc thứ ba...
Bên cạnh đó, đại dịch đang là sự kiện gây ra mức độ thiệt hại về kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” tháng 5 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức sụt giảm cơ bản của GDP toàn cầu rơi vào khoảng 3% trong năm 2020. Mức tăng trưởng chỉ có thể trở lại ở ngưỡng 5,8% vào năm 2021, trên thực tế kết quả có khi còn tồi tệ hơn.
Trong bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu đó, châu Á cũng không sáng sủa gì. GDP của Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý đầu năm 2020 so với năm trước, Nhật Bản giảm 3,4%. Trong khi đó Hoa Kỳ giảm 4,8%, GDP của châu Âu được dự báo sẽ giảm 7,8% trong năm nay.
Không rõ sự sụt giảm nghiêm trọng của nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà này trong bao lâu nữa. Tuy vậy, mức độ sụt giảm rõ ràng là rất lớn và chưa từng thấy. Kể cả so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế toàn cầu chỉ giảm 0,1% cho đến 3,3% ở các nền kinh tế tiên tiến nhưng bù lại có sự tăng trưởng 2,8% ở những nước mới nổi.
Theo cảnh báo của IMF, nếu các nước khu vực không có những hành động quyết liệt từ bây giờ, châu Á sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ nạn thất nghiệp cho đến cạn kiệt nguồn vốn nhân lực và thiệt hại cơ cấu sản xuất. Trong đó, thất nghiệp dài hạn là một mối nguy hiểm nghiêm trọng hơn nhiều so với các cuộc suy thoái khác.
Hợp tác quốc tế là mấu chốt của quá trình phục hồi?
Theo Daniel Quah, Giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, mỗi nước tại châu Á đều có những tình huống khác nhau và cũng có những cách thiết lập các chính sách quốc gia khác nhau. Có một số các quốc gia đang hướng đến chính sách hướng nội, đơn cử như trường hợp của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách hướng nội kéo dài sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp và nhà sản xuất, kể cả trong nước và quốc tế.
Thời điểm này, các quốc gia đang hướng đến một sự hợp tác và phối hợp quốc tế. Hợp tác quốc tế là điều cần thiết để đưa vật tư y tế, chẩn đoán và thiết bị đến nơi cần thiết và đảm bảo sự phân phối công bằng. Điều đó sẽ tăng tốc độ phát triển các phương pháp điều trị và cho ra đời một loại vắc-xin hiệu quả. Bên cạnh đó là sự cần thiết trong việc thiết lập các quy định và quy trình y tế quốc tế để cho phép thế giới và châu Á dần dần mở cửa trở lại với du lịch quốc tế.
Trong suốt quá trình lịch sử của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự thiếu sót của quá trình hợp tác quốc tế sẽ dẫn đến sự phục hồi không chắc chắn và kéo dài. Ngoài ra còn có những hậu quả ngoài ý muốn từ các phản ứng chính sách kinh tế của mỗi quốc gia dẫn đến những cú sốc kinh tế và tài chính tái diễn dẫn đến mất thu nhập tiềm năng trong dài hạn.
Hành động của châu Á
Tuy nhiên, các nền kinh tế châu Á phải làm gì để có thể tái thiết một nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái nghiêm trọng? Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại Trường Chính sách công Crawford, Đại học Châu Á và Thái Bình Dương (Úc), các nền kinh tế châu Á sẽ phải được coi là “trung tâm để phục hồi” sau cuộc khủng hoảng COVID-19 vì sức nặng và tiềm năng mà họ có trong nền kinh tế thế giới.
Bị tấn công bởi virus trước tiên, giờ đây châu Á lại được định vị để khởi động lại nền kinh tế sớm hơn. Châu Á đang có cơ hội dẫn đầu cuộc thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và là động lực quan trọng của sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trước đây, thế giới đã nhìn vào Hoa Kỳ như môt tham khảo để phục hồi kinh tế, vì quy mô của nền kinh tế nước này, hành động tự do chính sách của họ dựa trên vai trò quốc tế của đồng đô la Mỹ và truyền thống lãnh đạo lâu đời nhất trong ngoại giao kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, hệ thống tài chính từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã cung cấp thanh khoản đáng kể bằng đô la Mỹ thông qua các thỏa thuận hoán đổi với các ngân hàng trung ương khác khiến Mỹ luôn đóng vai trò trung tâm trong các cuộc phục hưng nền kinh tế.
Tuy nhiên, giờ đây khi mà Donald Trump và nước Mỹ đã không còn “mặn mà” với các tổ chức đa phương toàn cầu thì việc các nước châu Á phải đứng ra làm “nhân vật chính” có lẽ không còn xa nữa.
Giờ đây, châu Á phải đóng một vai trò trung tâm trong việc phục hồi sau cuộc khủng hoảng này, bởi vì phần lớn sản lượng, sự hội nhập sâu rộng vào hoạt động kinh tế toàn cầu và khả năng có một lối thoát sớm. Châu Á ở đây được định nghĩa là ASEAN + 6, nhóm chiếm hơn 40% GDP toàn cầu có giá trị theo giá thị trường năm 2019 và hiện là khu vực lớn nhất thế giới về sức mua tương đương.
Nhóm ASEAN + 6, kết hợp thêm sáu thành viên của G20 đang đem đến sự đa dạng hơn Bắc Mỹ hoặc châu Âu, với nguồn nhân lực dồi dào, tổ chức và tài chính đáng kể, ngoài ra còn có các nền tảng đối thoại hiệu quả có thể được xúc tác để thúc đẩy hành động đối với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Và trên hết, châu Á đang là khu vực có động lực lớn nhất để đảo ngược đà tăng tốc sang chủ nghĩa bảo hộ và phá vỡ sự hợp tác toàn cầu bằng cách xây dựng lại niềm tin, tăng cường quản trị và cập nhật các quy tắc toàn cầu.
Giáo sư Motoshige Itoh, Trưởng khoa Khoa học Xã hội Quốc tế, Đại học Gakushuin cho rằng, châu Á đặc biệt phải chú ý đến sự quan trọng trong cả chính sách y tế và chính sách kinh tế. Về chính sách y tế, châu Á cần phải có ưu tiên trong hợp tác quốc tế. Cam kết đáng kể trong tài trợ và trao quyền cho các cơ quan y tế quốc tế và khu vực để quản lý và giám sát các phản ứng đang diễn ra, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển.
Bên cạnh đó phải giữ thương mại mở về thiết bị và vật tư y tế, chia sẻ các xét nghiệm chẩn đoán, vắc-xin và công nghệ, và hợp tác khu vực trong việc quản lý ổ dịch COVID-19. Theo Motoshige Itoh, điều này chưa được thấy ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và thứ nhất của châu Á.
Về mặt chính sách kinh tế, châu Á phải đối mặt với một cơn bão kinh tế. Hầu hết các cuộc suy thoái được gây ra bởi một cú sốc cầu, cung hoặc tài chính. COVID-19 thì đang cung cấp cả ba “cú sốc” trên. Mỗi cú sốc đòi hỏi một phản ứng chính sách khác nhau.
Do đó, hợp tác kinh tế khu vực sẽ giúp giải quyết các thách thức trong nước dễ dàng hơn. Kinh nghiệm cần được tập hợp và hỗ trợ huy động để quản lý các khía cạnh tài chính của các chiến lược khóa kinh tế và xã hội ở các quốc gia khác nhau.
Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và kinh nghiệm sẽ rất quan trọng để hiểu bản chất kinh tế của cú sốc và phản ứng chính sách tốt nhất. Đại dịch vẫn đang phát triển và không chắc chắn. Các quốc gia châu Á có thể sử dụng các chương trình hội nghị như ASEAN +, APEC và G20 để học hỏi lẫn nhau về tác động của đại dịch đối với tăng trưởng, kinh tế vĩ mô, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường thực phẩm, thị trường năng lượng…
Có thể bạn quan tâm
06:30, 04/06/2020
06:20, 07/06/2020
06:00, 05/06/2020
06:30, 10/06/2020
06:00, 08/06/2020