Kinh tế thế giới

Đằng sau làn sóng đầu tư tạo tác động tại châu Á

Cẩm Anh 23/07/2025 03:00

Châu Á đang nổi lên như một trung tâm của đầu tư tạo tác động, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào các lĩnh vực vừa tạo lợi nhuận, vừa mang lại giá trị xã hội và môi trường.

Ảnh màn hình 2025-07-22 lúc 20.23.55
Singapore đã chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các công ty quản lý tài sản gia đình. Ảnh: Bloomberg

Đầu tư tạo tác động là hình thức đầu tư hướng đến tạo ra những tác động xã hội hoặc môi trường một cách tích cực, có thể đo lường được, song song với lợi nhuận tài chính.

Nói ngắn gọn, đây là cách sử dụng nguồn vốn để giải quyết các vấn đề thực tế của con người và trái đất. Cách tiếp cận này giúp tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương và tăng cường khả năng chống chịu của những nền tảng quan trọng cho một xã hội lành mạnh, dù ở bất kỳ châu lục nào.

Các lĩnh vực trọng điểm bao gồm tăng khả năng tiếp cận giáo dục, giảm khí thải carbon, hỗ trợ dân số già hóa... Tất cả đều là cơ hội để vốn tác động phát huy vai trò trong việc thúc đẩy giải pháp. Điều này đúng trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt đúng với khu vực Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Châu Á từ lâu đã có vai trò trong lịch sử phát triển đầu tư tạo tác động, nhưng giờ đây đang nâng tầm vị thế, với Singapore là một trung tâm dẫn đầu.

Giới quan sát luôn đánh giá cao sự năng động của châu Á, nơi vừa là nguồn cung, vừa là điểm đến của dòng vốn tác động toàn cầu. Trên hành trình tăng trưởng của khu vực, châu Á chắc chắn sẽ cần đến đầu tư tạo tác động như một yếu tố thiết yếu để đạt được phát triển bền vững.

Báo cáo năm 2024 của Mạng lưới Đầu tư Tạo tác động Toàn cầu (GIIN) về tình hình đầu tư tạo tác động tại châu Á, phân tích hoạt động của 68 nhà đầu tư tập trung vào khu vực với tổng tài sản quản lý hơn 48,6 tỷ đô la Singapore cho thấy quy mô tài sản cam kết cho đầu tư tạo tác động đang tăng mạnh.

Theo đó, Đông Á đang là điểm sáng của khu vực, khi có tới 60% nhà đầu tư trong khảo sát cho biết sẽ gia tăng phân bổ vốn trong năm tới. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm năng lượng, y tế, giáo dục, và công nghệ thông tin – truyền thông.

Ảnh màn hình 2025-07-22 lúc 20.28.13
Các công ty quản lý tài sản gia đình châu Á tìm thấy lợi nhuận hấp dẫn trong đầu tư tạo tác động

Các tổ chức châu Á hiện cũng đang giữ vai trò dẫn dắt trong ngành đầu tư tạo tác động toàn cầu. Singapore, một trung tâm tư duy và kết nối trong lĩnh vực tài chính bền vững đang chứng kiến sự dẫn dắt nổi bật từ các văn phòng gia đình như Tsao Family Office và các tổ chức trung gian như Impact Investment Exchange.

Dữ liệu khảo sát của GIIN cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực khác: 89% nhà đầu tư tạo tác động tại châu Á cho biết lợi nhuận tài chính của họ đạt kỳ vọng hoặc vượt kỳ vọng; 88% cũng báo cáo điều tương tự với hiệu quả tác động. Đây là một phần của xu hướng toàn cầu và sẽ tiếp tục thu hút thêm sự quan tâm từ cộng đồng đầu tư quốc tế.

Ông Amit Bouri, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập GIIN chỉ ra hai yếu tố chính đang thúc đẩy tăng trưởng này. Thứ nhất là sự thay đổi tích cực trong chính sách và hỗ trợ từ chính phủ. Ví dụ, vào năm 2024, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đã công bố bộ nguyên tắc chính thức cho đầu tư tạo tác động, phản ánh nhiều định nghĩa và hướng dẫn từ GIIN.

Quỹ Hưu trí Chính phủ Nhật Bản, quỹ lớn nhất thế giới cũng đã điều chỉnh chiến lược phân bổ vốn sang các khoản đầu tư tạo tác động nhằm mang lại giá trị lâu dài cho người dân và đáp ứng nhu cầu xã hội, môi trường trong nước.

Sự liên kết chặt chẽ hơn giữa mục tiêu doanh nghiệp và định hướng tạo tác động tại Nhật Bản có thể đã góp phần làm tăng 150% quy mô thị trường đầu tư tạo tác động tại nước này từ năm 2023 đến 2024.

Ông Bouri cũng cho biết thêm, yếu tố thứ hai là vai trò ngày càng quan trọng của các văn phòng gia đình, hay còn được biết đến là các tổ chức được thành lập để giám sát và quản lý các vấn đề tài chính, đầu tư và đảm bảo tính bền vững cho tài sản của gia đình.

Theo Empaxis, châu Á chiếm 9% trong khoảng 20.000 văn phòng gia đình toàn cầu, trong đó hơn một nửa đặt tại Singapore. Nhiều gia đình, đứng đầu các doanh nghiệp lớn trong khu vực, đang tái đánh giá cách tiếp cận giá trị lâu dài cho di sản và thế hệ tương lai, trong đó đầu tư tạo tác động trở thành công cụ quan trọng.

Đầu tư tạo tác động tại châu Á đang nắm giữ tiềm năng và sức mạnh to lớn. Ước tính mới nhất cho thấy hơn 2.000 tỷ đô la Singapore tài sản đầu tư tạo tác động đang lưu thông trên toàn cầu.

Con số này không chỉ là một cột mốc quan trọng đối với phong trào đầu tư tạo tác động toàn cầu, mà còn là một lời kêu gọi hành động, để các nhà đầu tư cùng nhau huy động nguồn vốn, cải thiện sinh kế, cộng đồng và thế giới tự nhiên, tại châu Á và hơn thế nữa.

Có thể thấy rằng, đầu tư tạo tác động tại châu Á không chỉ đến từ quy mô dân số lớn và nhu cầu phát triển xã hội cấp thiết, mà còn từ sự chuyển mình mạnh mẽ của các nền kinh tế trong khu vực.

Với tầng lớp trung lưu đang gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh và nhận thức xã hội ngày càng cao, các lĩnh vực như y tế cộng đồng, năng lượng tái tạo, giáo dục công bằng và hạ tầng kỹ thuật số đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư mang tính chuyển đổi sâu rộng. Đây chính là những "mảnh đất màu mỡ" để dòng vốn tác động phát huy hiệu quả cả về lợi nhuận lẫn ảnh hưởng tích cực.

Thêm vào đó, sự quan tâm ngày càng lớn từ các thế hệ kế thừa trong các gia đình doanh nghiệp châu Á cũng đang góp phần định hình lại cách tiếp cận đầu tư. Nhiều người trẻ châu Á đang chủ động tìm kiếm các chiến lược đầu tư có trách nhiệm và tạo giá trị dài hạn.

Khi những nhà lãnh đạo tương lai này nắm quyền định hướng tài chính, đầu tư tạo tác động sẽ không chỉ là lựa chọn thay thế, mà sẽ trở thành chuẩn mực trong cách tạo ra sự thịnh vượng gắn liền với phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đằng sau làn sóng đầu tư tạo tác động tại châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO