Kinh tế thế giới

Châu Á phân hóa mạnh giữa xuất khẩu công nghệ và phi công nghệ

Cẩm Anh 19/07/2025 04:05

Nhu cầu đối với AI tại châu Á dự kiến sẽ tiếp tục giữ vững, trong khi các công nghệ không liên quan đến AI có thể chững lại và xuất khẩu phi công nghệ vẫn trì trệ.

Ảnh màn hình 2025-07-18 lúc 10.02.21
Thái Lan dẫn đầu sáu quốc gia châu Á khác về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu công nghệ so với phi công nghệ. Ảnh: BT

Khoảng cách tăng trưởng xuất khẩu giữa nhóm sản phẩm công nghệ và phi công nghệ tại châu Á được dự báo sẽ tiếp tục nới rộng hơn nữa, theo báo cáo mới được công bố gần đây của Nomura.

Tính trung bình ba tháng, tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản) trong tháng 5/2025 đã đạt mức 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh so với mức 17,1% vào tháng 1/2025. Ngược lại, xuất khẩu các sản phẩm phi công nghệ chỉ tăng 5,7%, từ mức 2,1%.

“Sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng gần đây, trong khi sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng phi công nghệ vẫn khá yếu,” các nhà phân tích của Nomura nhận định.

Mức chênh lệch lớn nhất được ghi nhận tại Thái Lan, nơi xuất khẩu công nghệ trung bình 3 tháng tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu phi công nghệ chỉ tăng 9,2%.

Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore cũng cho thấy xu hướng tương tự. Nhu cầu từ Mỹ trước nguy cơ áp thuế lên chất bán dẫn đã thúc đẩy xuất khẩu công nghệ. Thêm vào đó, giá chip nhớ tăng đã làm gia tăng giá trị xuất khẩu, và chương trình đổi mới đồ gia dụng tại Trung Quốc cũng kích thích nhu cầu đối với linh kiện điện tử, theo báo cáo.

Nhu cầu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu công nghệ của Đài Loan, trong khi xuất khẩu điện tử của Ấn Độ được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển trong hoạt động lắp ráp điện thoại thông minh.

Ngược lại, xuất khẩu hàng phi công nghệ bị kìm hãm do nhu cầu và giá cả yếu, cùng với tình trạng dư thừa công suất tại Trung Quốc.

“Nhu cầu về sản phẩm công nghệ ngoài Mỹ vẫn còn yếu, bao gồm cả châu Âu và Trung Quốc, phản ánh mức tiêu dùng thấp và các yếu tố mang tính cơ cấu. Ngay trong khu vực châu Á, tiêu dùng nội địa cũng khá trầm lắng tại Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ, do ảnh hưởng trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ và hệ lụy kéo dài từ đại dịch COVID-19,” Nomura cho biết.

"Nhìn về phía trước, khoảng cách giữa xuất khẩu công nghệ và phi công nghệ nhiều khả năng sẽ tiếp tục nới rộng hơn nữa trong nửa cuối năm 2025", theo bà Toh Si Ying, chuyên gia kinh tế tại Nomura trả lời phỏng vấn tờ The Business Times.

Ảnh màn hình 2025-07-18 lúc 10.02.50
Xuất khẩu công nghệ so với phi công nghệ của một số nền kinh tế châu Á (% so với cùng kỳ năm trước, trung bình động 3 tháng). Nguồn: BT

Nhu cầu về công nghệ liên quan đến AI được cho là điểm sáng duy nhất, trong khi nhu cầu đối với công nghệ không liên quan đến AI có thể chững lại sau quý III/2025, và nhu cầu nhóm sản phẩm phi công nghệ sẽ tiếp tục yếu.

Các mức thuế của Mỹ cũng sẽ làm suy giảm nhu cầu đối với công nghệ không liên quan đến AI, do sức mua thực tế của người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hiệu ứng lan tỏa từ tăng trưởng AI lên các lĩnh vực đầu nguồn kém hơn so với đầu tư truyền thống vào hạ tầng như đường sá, khiến tăng trưởng trong AI vẫn mạnh, nhưng công nghệ không liên quan đến AI và sản phẩm phi công nghệ lại yếu đi.

Tuy nhiên, xu hướng phân hóa này không đồng đều ở mọi quốc gia châu Á. Tại Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm phi công nghệ tăng trưởng cao hơn xuất khẩu công nghệ 2,4 điểm phần trăm. Còn tại Philippines, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn – lên đến 21 điểm phần trăm nghiêng về phía xuất khẩu sản phẩm phi công nghệ.

Ngay cả trước khi ông Trump lên nắm quyền trong nhiệm kỳ II, châu Á đã phải đối mặt với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, khiến các quốc gia khác khó cạnh tranh hơn.

Cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc đang đè nặng lên sản xuất công nghiệp tại Thái Lan, Indonesia, làm chậm đầu tư tư nhân tại Ấn Độ, gây mất việc làm trong các ngành thâm dụng lao động tại Indonesia, Thái Lan, góp phần vào xu hướng giảm phát trong các lĩnh vực kim loại, hóa chất và làm xói mòn thị phần xuất khẩu toàn cầu ở các lĩnh vực phi công nghệ.

“Thuế quan cao hơn của Mỹ đối với hàng Trung Quốc lại càng khiến các nhà xuất khẩu châu Á gặp khó khăn hơn,” Nomura kết luận. Các mức thuế lên hàng hóa Trung Quốc từng lên đến 145% hồi đầu năm nay, nhưng thỏa thuận đình chiến 90 ngày vào tháng 5 đã giúp đưa mức thuế này giảm xuống còn 30%. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 12/8/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Á phân hóa mạnh giữa xuất khẩu công nghệ và phi công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO