“Ẩn số” giá dầu trong dài hạn

Nham Biền 11/11/2018 03:30

Mặc dù lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran chưa tác động đến giá dầu ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn rủi ro tăng giá dầu trong dài hạn.

Từ ngày 5/11 vừa qua, Mỹ không chỉ áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran như trước khi có thoả thuận hạt nhân Iran (JCPOA), mà còn trừng phạt cả những quốc gia duy trì quan hệ hợp tác kinh tế Iran. Có 8 nền kinh tế được Mỹ coi là trường hợp ngoại lệ trong 180 ngày tới là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italy và Đài Loan.

p/Giá dầu thô thế giới đã giảm sau lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Giá dầu thô thế giới đã giảm sau lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Chuẩn bị sẵn tâm lý

JCPOA được ký kết giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức với Iran vào năm 2015. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi lên cầm quyền đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận này và áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran theo hai đợt. Đợt đầu là hồi tháng 8 vừa qua nhằm vào tài chính và tiền tệ của Iran. Đợt hai vào ngày ngày 5/11 vừa qua nhằm triệt hạ nguồn thu nhập của Iran từ xuất khẩu dầu mỏ.
Về lý thuyết, khi Iran không xuất khẩu được dầu mỏ, sẽ đẩy giá dầu tăng do nguồn cung giảm mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường dầu mỏ thế giới lại giảm trong những ngày qua, do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, thị trường đã có sự chuẩn bị cho diễn biến mới này từ khá lâu nay. Theo đó, tất cả các đối tác liên quan đều đã chủ động có biện pháp phòng ngừa và đối phó, nên nhân tố tâm lý và đột biến không phát huy tác dụng. Bởi vậy, quyết sách mới của Mỹ chưa làm cho giá dầu tăng trong ngắn hạn.

Vấn đề đặt ra với các quốc gia là tránh bị vạ lây bởi những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, không vì bên này mà từ bỏ những lợi ích chính đáng trong quan hệ hợp tác với bên kia.

Thứ hai, Iran đã chủ động giảm mức độ xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày từ mấy tháng nay. Mục đích của Iran vừa làm cho thị trường dầu mỏ thế giới quen dần với tình trạng mới có thể xảy ra, vừa buộc nền kinh tế Iran tập bươn chải trong điều kiện không còn được xuất khẩu dầu nhiều như trước.

Thứ ba, 8 trường hợp ngoại lệ nói trên đang nhập khẩu khoảng 80% khối lượng dầu mỏ từ Iran (khoảng 2,6 triệu thùng hàng ngày). Nhờ vậy, Iran chắc sẽ tăng khối lượng dầu lửa xuất khẩu hàng ngày, chứ không duy trì mức độ giảm như vừa qua.

Thứ tư, nhiều đối tác khác như EU hay Nga vẫn bất chấp những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với quốc gia này.

Rủi ro trong dài hạn

Từ lập luận trên cho thấy, giá dầu có thể chưa tăng trong ngắn hạn, trái lại có thể tiếp tục giảm. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vừa qua ở Mỹ là thất bại nhiều hơn là thắng lợi chính trị của đảng Cộng hoà và cá nhân Tổng thống Trump. Phe này vẫn duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng đã bị mất đa số tại Hạ viện. Trong khi đó, chính sách của ông Trump đối với Iran không được đảng Dân chủ ủng hộ hoàn toàn. Bởi vậy, ông Trump vừa khó khăn hơn, vừa không thể tiếp tục “tự tung tự tác” trong cầm quyền nói chung và trong quan hệ với Iran nói riêng. Hiện tại và cả trong ngắn hạn là như vậy, nhưng trong dài hạn sẽ khác bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, không ai có thể đoán được quan hệ giữa Mỹ và Iran tới đây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. Chính sách của ông Trump đối với Iran có thể găng lên hơn trước nhưng cũng có thể sẽ dịu đi tuỳ thuộc vào cách thức hai bên xử lý quan hệ trong tình huống mới xuất hiện. Đụng độ quân sự hay phong toả eo biển Hormuz chẳng hạn sẽ khiến giá dầu tăng mạnh.

Thứ hai, sau thời hạn ngoại lệ 180 này kia, cả 8 đối tác sẽ phải lựa chọn giữa nghe theo Mỹ hoặc bất chấp Mỹ. Sự lựa chọn của họ, bất kể theo hướng nào, đều tác động trực tiếp đến xu hướng giá dầu thế giới.

Thứ ba, EU và Nga đương đầu đến đâu với gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran. Họ đã nhất trí cơ chế thanh toán mới cho Iran. Nếu cơ chế này hoạt động hiệu quả thực sự thì sẽ vô hiệu hoá ở mức độ khá đáng kể tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Đối với tất cả các đối tác khác, vấn đề đặt ra là phải tránh để bị vạ lây bởi những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, không vì bên này mà từ bỏ những lợi ích chính đáng trong quan hệ hợp tác với bên kia, lại càng không được để cho bên này lợi dụng để đối phó bên kia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Ẩn số” giá dầu trong dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO