Theo các chuyên gia, việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử là rất khó khăn, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng…
>>Cam go cuộc chiến chống hàng giả - Bài 1: Chợ online và “ma trận” hàng hóa
Những năm qua, thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn biến khó lường, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn tại các địa phương, bắt giữ nhiều kho chứa lượng lớn hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng.
Mặc dù quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn như vậy, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn ở mức thấp, trong khi đó sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) lại vô hình chung bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật phức tạp.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay TMĐT vẫn còn nhiều thách thức với những hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu. Trên thực tế, nhiều sàn TMĐT mải chạy theo việc thu hút người bán tham gia mà chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa nên đã tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái chen chân.
Trước thực trạng trên, để “lọc” hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn TMĐT đã dùng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI. Thế nhưng, chủ các sàn TMĐT cũng thừa nhận, dù áp dụng giải pháp nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bởi, nếu người bán cố tình khai báo gian dối thông tin, lấy hình ảnh của sản phẩm khác đăng lên sàn để vượt qua bộ lọc chỉ có thể ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm, khóa shop bằng phản ứng nhanh của khách hàng qua report hoặc đường dây nóng… Ngoài ra, sàn áp dụng các biện pháp lọc kết hợp AI và thủ công.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và nhà nước. Trên thực tế, đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo, số điện thoại không rõ ràng, dịch vụ bưu chính vẫn chưa có chế tài chặt chẽ. Trong khi đó TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, không thể đi ngược. Bởi vậy, việc hoàn thiện các quy định về thủ tục kiểm tra, chính sách mặt hàng, chính sách thuế là cần thiết để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TMĐT trong thời gian tới.
Cùng với đó, qua các vụ việc vi phạm do lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động kinh doanh TMĐT là hết sức quan trọng. Để công tác này có sự chuyển biến căn bản, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân và các doanh nghiệp có vai trò quyết định.
>>Cam go cuộc chiến chống hàng giả - Bài 2: “Lật tẩy” những thủ đoạn tinh vi
Trao đổi về giải pháp ngăn chặn vấn nạn này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật Bách Gia Luật và Liên danh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT.
“Nghị định này được kỳ vọng hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên sàn TMĐT”, luật sư Tuấn nói.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung (Nghị định 85) một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT này được chia theo 4 vấn đề chính. Thứ nhất, theo chủ trương giảm bớt thủ tục hành chính của Chính phủ, Nghị định 85 cũng giới hạn phạm vi của nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính. Thứ hai, Nghị định 85 cũng quy định về việc bán hàng trên các mạng xã hội. Thứ ba, quản lý những người bán hàng có yếu tố nước ngoài. Thứ tư, quản lý để thúc đẩy hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường TMĐT. Trong đó, nhiều quy định được đưa ra để đảm bảo các sàn TMĐT phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc quản lý chủ thể xây dựng gian hàng.
Bên cạnh đó, Nghị định 85 cũng đưa vào những điều khoản quy định ràng buộc chặt chẽ hơn đối với những doanh nghiệp đang kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Các vấn đề liên quan đến việc khiếu nại của người tiêu dùng. Ngay trong quá trình đơn hàng được hình thành, người tiêu dùng đã được đưa vào trong quá trình giải quyết và khi đơn hàng có vấn đề phát sinh, trong 72 giờ, sàn TMĐT sẽ nhận được phản hồi của người tiêu dùng ngay vào hệ thống trung gian.
“Điều này sẽ giải quyết nhanh bài toán xử lý phát sinh khiếu nại tại thời điểm đó nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng trên kênh TMĐT”, luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định.
Để góp phần giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT, theo ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho rằng, công nghệ vẫn là yếu tố quan trọng. Các ứng dụng này liên kết chặt với hệ thống dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, tạo dựng một nền tảng để có thể chia sẻ chéo giữa các bên nhằm sớm nhận thức được hành vi lừa đảo.
“Chúng tôi cũng đang định hướng nền tảng về định danh iKBC có gắn với các giải pháp về OCA. Tức là, định danh được khách hàng thông qua hình ảnh, sẽ đối chiếu dữ liệu của đối tượng khi lập gian hàng với dữ liệu hình ảnh gốc trong hệ thống Bộ Công an sử dụng một vector 360 chiều để kiểm tra đã khớp được hai dữ liệu đến với nhau nhằm định danh chủ thể”, ông Lê Đức Anh nói.
Bên cạnh đó, ông Lê Đức Anh cũng cho biết, cục TMĐT và Kinh tế số cũng đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước triển khai nền tảng liên quan đến hệ thống đảm bảo giao dịch với đối tác phối hợp các trung tâm thanh toán để giải quyết bài toán hạn chế tỷ lệ lừa đảo, giúp môi trường TMĐT tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm