Thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, không kiểm soát trên các nền tảng bán hàng trực tuyến khiến người tiêu dùng bị lạc vào "ma trận" hàng hóa vì không biết đâu là hàng thật, đâu là giả…
>>"Kẽ hở" khiến hàng giả "chen chân" vào sàn thương mại điện tử
Hàng giả “tấn công” chợ mạng
Theo đó, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 được dự báo có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng "nóng" đó, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới đang ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự lành mạnh của thị trường.
Theo thống kê, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của TMĐT tại Việt Nam thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là những tiêu cực của thị trường.
Theo số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Dự báo trong 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.
Một thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
Đáng chú ý, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã liên tục phát hiện và triệt phá hàng loạt cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng trên nền tảng thương mại điện tử.
Điển hình như gần đây nhất, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một điểm kinh doanh trên nền tảng facebook tại thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), sơ bộ đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm nhiều chủng loại từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng và hàng hóa nhập lậu do chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan.
Trước đó, đơn vị cũng phát hiện vụ kho hàng lậu, hàng giả 1.000m2 tập kết để bán online ở tỉnh Lào Cai, hay vụ tàng trữ kinh doanh sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại tỉnh Nam Định. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn xử lý hàng trăm vụ việc khác của các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội, website thương mại.
>>Chống hàng giả: Truyền thông không bằng… “truyền miệng”
Nhiều thủ đoạn né tránh
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) nhận định, các hình hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên kênh thương mại điện tử. Điểm đặc biệt của thương mại điện tử là giúp quá trình mua sắm của người dân trở nên dễ dàng hơn. Bên bán và bên mua hầu như không cần tiếp xúc trực tiếp, không phụ thuộc khoảng cách địa lý và các phương thức thanh toán cũng đơn giản và thuận tiện hơn. Lợi dụng điều này, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng tăng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua sắm truyền thống của người dân bị hạn chế.
Theo ông Lê, phương thức gian lận phổ biến nhất là buôn bán những sản phẩm không giống như quảng cáo. Đơn cử, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, video sản phẩm chính hãng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa sau khi đến tay người tiêu dùng lại khác biệt về mẫu mã, chất lượng hoặc tình trạng.
Trước thực trạng trên, để “lọc” hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn thương mại điện tử đã dùng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI. Tuy nhiên, việc ứng dụng giải pháp này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bởi, nếu người bán cố tình khai báo gian dối thông tin, lấy hình ảnh của sản phẩm khác đăng lên sàn để vượt qua bộ lọc chỉ có thể ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm, khóa gian hàng bằng phản ứng nhanh của khách hàng qua báo cáo hoặc đường dây nóng… Ngoài ra, sàn áp dụng các biện pháp lọc kết hợp AI và thủ công.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng.
Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát. Mặt khác, các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Trong khi, các sàn hiện vẫn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử như: Công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm