Bên cạnh một số quy định chưa hợp lý, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP còn thiếu minh bạch về chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi…
>> VASEP đề nghị đưa ngành chế biến thủy sản ra khỏi danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Theo đó, cũng tại trả lời Công văn số 6188/BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (Dự thảo), bên cạnh một số quy định chưa hợp lý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, quy định về chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi còn thiếu minh bạch.
Cụ thể, theo VCCI, chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được quy định tại khoản 20 Điều 1 Dự thảo (bổ sung khoản 4 Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP):
Khi thực hiện chuyển quyền sở hữu tàu cá giữa các tỉnh phải đảm bảo không tăng tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân bán tàu sẽ cấp văn bản đồng ý điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản theo tàu được chuyển quyền sở hữu sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức, cá nhân mua tàu
VCCI cho rằng, quy định đã nêu cần xem xét ở các điểm như: Làm thế nào để đảm bảo không tăng tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi? Cơ chế quản lý, đảm bảo việc thực hiện quy định này như thế nào? Trước khi thực hiện hoạt động giao dịch chuyển quyển sở hữu các bên có thực hiện thủ tục gì không?
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi rất chi tiết cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, sẽ xảy ra trường hợp, vùng khơi của tỉnh bên nhận chuyển quyền sở hữu đã đủ hạn ngạch thì sẽ giải quyết như thế nào? Bên nhận chuyển quyền sở hữu có được cấp giấy phép khai thác thủy sản không?
Việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp văn bản đồng ý điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản theo tàu được chuyển quyền sở hữu sang tỉnh có tổ chức, cá nhân mua tàu có được xem là văn bản đảm bảo cho việc bên mua tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản không?
Từ những vấn đề đã nêu, để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định rõ ràng hơn.
>> Những bất cập về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản
Bên cạnh đó, về quản lý, lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình quy định tại điểm 5 khoản 21 Điều 1 Dự thảo (bổ sung khoản 5 Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP) quy định, trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng thì “trước khi tháo thiết bị phải thông báo trước cho Cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để lập Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị trước khi tháo gỡ, thay thế”.
Theo VCCI, việc yêu cầu phải thực hiện thông báo, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải lập biên bản mới được tháo gỡ, thay thế tạo ra thủ tục phức tạp cho cá nhân, tổ chức sở hữu tàu cá. Đối với thiết bị giám sát hành trình, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần yêu cầu thiết bị hoạt động tốt, việc truyền dẫn, lưu trữ dữ liệu đảm bảo các yêu cầu phục vụ mục tiêu quản lý. Việc tháo gỡ, thay thế thiết bị này không làm ảnh hưởng đến việc thu nhận, truyền dẫn dữ liệu thông tin thì cơ quan nhà nước không cần thiết phải can thiệp theo hướng tạo thêm thủ tục cho các tàu cá.
Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trên hoặc sửa theo hướng chủ tàu chỉ cần gửi thông báo cho cơ quan nhà nước về việc lắp thiết bị giám sát hành trình mới.
Có thể bạn quan tâm
VASEP đề nghị đưa ngành chế biến thủy sản ra khỏi danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
16:10, 27/10/2021
Xuất khẩu thuỷ sản cuối năm: Tín hiệu tích cực từ các thị trường
11:00, 27/10/2021
Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản "ôm" lỗ
17:30, 25/10/2021
Đồng bộ giải pháp cho chuỗi thủy sản
11:00, 25/09/2021
Quảng Ninh: Thủy sản tại Vân Đồn “điêu đứng” vì dịch
20:00, 24/09/2021