Do ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, ngành thủy sản vẫn chưa thể gượng dậy khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vẫn còn “ôm” lỗ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì gián đoạn sản xuất nên giảm sâu 31% so với cùng kỳ.
Việc nới lỏng giãn cách xã hội từ giữa tháng 9 giúp sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu hồi phục, nhất là tại mấy tỉnh trọng điểm về tôm như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh ven biển miền Trung.
Điều này phản ánh qua kết quả xuất khẩu nửa cuối tháng 9. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 9/2021 đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính đến hết quý III/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến xuất khẩu gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau gần 3 tháng giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do phát hiện số lượng ca F0 lớn bị buộc phải cách ly, phong tỏa và không đáp ứng điều kiện làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.
Điều này đã phản ánh qua kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản bị sụt giảm mạnh, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ.
Cụ thể, Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV) quý III đạt gần 656 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chỉ giảm 16% nên lãi gộp đạt 69 tỷ đồng giảm 36% so với quý III/2020.
Trong kỳ ANV có gần 12 tỷ đồng doanh thu tài chính tăng 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các chi phí phát sinh trong kỳ đều đồng loạt tăng cao. Chi phí tài chính tăng 54%, chi phí bán hàng tăng 73%. Kết quả ANV báo lỗ hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 2.436 tỷ đồng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 74 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2020.
Năm 2021, ANV đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 250 tỷ đồng. Như vậy kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, ANV mới chỉ thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận năm.
Lãnh đạo ANV cho biết, nguyên nhân doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” dẫn đến sản lượng bán giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ “3 tại chỗ” phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test COVID-19 và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại Công ty.
Công ty CP Thủy sản Mekong (HoSE: AAM) may mắn thoát lỗ quý III sau 5 quý lỗ liên tiếp nhưng nhưng lại không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là thủy sản mà đến từ các khoản đầu tư cổ phiếu.
Theo đó, quý III/2021 doanh thu thuần của AAM đạt 13,8 tỷ đồng giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng còn cao hơn cả doanh thu với 13,9 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp âm 189 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ doanh thu tài chính đạt 2,46 tỷ đồng cao gấp 12 lần so với cùng kỳ, chủ yếu là từ lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu và kỳ phiếu. Đồng thời chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 29,5% và 62,3% so với cùng kỳ. Quý III/2021, AAM ghi nhận lãi 142 triệu đồng, thoát lỗ sau 5 quý liên tục.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, AAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 18%, xuống còn 73 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến 30/09/2021 lên hơn 6 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2021, AAM đang còn 1 khoản đầu tư đáng kể trong danh mục là hơn 237.000 cổ phiếu CTCP Thuỷ sản Cửu Long với giá trị ghi sổ là hơn 4,1 tỷ đồng. Trong kỳ, AAM cũng đã “chốt lãi” 75.000 cổ phiếu IPA của CTCP Tập đoàn IPA, với giá trị ghi sổ 2,5 tỷ đồng. Khoản đầu tư này đã nắm giữ nhiều năm, từng trích lập dự phòng 1,34 tỷ đồng.
Đến cuối quý III, tổng tài sản của AAM ghi nhận hơn 197 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng giảm nhẹ, xuống còn 117 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm ghi nhận gần 79 tỷ đồng (giảm 19%) và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 36 tỷ đồng (tăng 80%).
Tương tự, Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF) mặc dù thoát lỗ quý III, nhưng vẫn “ôm” lỗ lũy kế 7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, trong quý III, BLF ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 115 tỷ đồng. Nhờ giá vốn giảm mạnh hơn giúp biên lãi gộp cải thiện từ 16% lên 23%. Trong khi đó, các loại chi phí đồng loạt giảm giúp BLF lãi ròng gần 3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng).
Tuy nhiên, con số lợi nhuận của quý III vẫn chưa lấp đầy được khoảng lỗ của 2 quý đầu năm. Qua đó, kết thúc 9 tháng, BLF ghi nhận doanh thu thuần giảm 25%, xuống còn 322 tỷ đồng và lỗ ròng 7.4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 718 triệu đồng).
Năm 2021, BLF đặt kế hoạch đem về 650 tỷ đồng doanh thu và hơn 5 tỷ đồng lãi sau thuế. Ngoài ra, BLF đặt mục tiêu sản lượng tôm đạt 200 tấn, sản lượng rau củ quả đạt 10,000 tấn và sản lượng gia công xuất khẩu đạt 14,000 tấn. Như vậy, BLF chỉ mới thực hiện được 50% chỉ tiêu doanh thu sau 9 tháng.
Tính đến 30/09/2021, tổng tài sản của BLF ghi nhận hơn 511 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Hàng tồn kho ghi nhận gần 250 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là thành phẩm.
Nợ phải trả tại thời điểm này hơn 357 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 169 tỷ đồng (giảm 11%) và nợ vay dài hạn gần 30 tỷ đồng (tăng 43%).
Trong khi đó, Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý III đồng loạt đi lùi so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu sụt giảm 7% về mức 71 tỷ đồng cộng với chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên gần 9 tỷ đồng đã kéo lãi ròng quý III của ABT giảm 53% về còn hơn 1 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, ABT ghi nhận doanh thu thuần đạt 211 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp biên lãi gộp cải thiện từ 11% lên gần 15%.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt 70%, đạt hơn 18 tỷ đồng chủ yếu nhờ cổ tức, lợi nhuận được chia. Trong kỳ, chi phí bán hàng ghi nhận gần 21 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ do tăng chi phí tàu. Ngược lại, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm. Kết quả, ABT báo lãi ròng tăng 51%, lên hơn 19 tỷ đồng.
Năm 2021, ABT dự kiến đem về 410 tỷ đồng doanh thu thuần và 35 tỷ đồng lãi trước thuế. Ngoài ra, ABT cũng đặt kế hoạch thành phẩm thủy sản đạt 6.500 tấn và sẽ chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 10-20%. Như vậy, so với kế hoạch, ABT đã thực hiện được 51% chỉ tiêu doanh thu và 56% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.
Tại thời điểm 30/09/2021, tổng tài sản của ABT ghi nhận gần 573 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 16%, lên gần 180 tỷ đồng với giá gốc chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (chi phí nuôi cá) gần 106 tỷ đồng, tăng 49%. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng từ 8 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 15 tỷ đồng. Trong đó, ABT ghi nhận thêm khoản chi phí gần 5 tỷ đồng xây kho 1.500 tấn (đầu năm không ghi nhận khoản này).
Theo VASEP, ngành thuỷ sản đang kỳ vọng từ tháng 10 sẽ khả quan hơn khi “mở cửa” ở TP.HCM cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất. Nhưng thực tế với kiểu “nửa mở nửa đóng” ở các địa phương và diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 như những ngày qua cho thấy, chặng đường hồi phục sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn nhiều "chông chênh”.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu thủy sản "chờ thời" quý 4
15:00, 14/09/2021
Đồng bộ giải pháp cho chuỗi thủy sản
11:00, 25/09/2021
Quảng Ninh: Thủy sản tại Vân Đồn “điêu đứng” vì dịch
20:00, 24/09/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cho ý kiến về quy định cho thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản
20:39, 23/09/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19
20:36, 23/09/2021
Thủy sản gặp khó trước dự thảo Nghị định về bảo vệ môi trường
04:20, 20/09/2021