[COVID-19] Kinh tế thế giới đang về đâu?

Linh Nga 17/03/2020 12:46

Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tác động đến mọi hoạt động kinh tế, sản xuất thì câu hỏi lớn đặt ra là liệu có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2020?

Khi dịch bệnh lây lan trên toàn cầu, nhiều ý kiến đã so sánh điều này với trận chiến với đợt dịch SARS tại Trung Quốc năm 2003 hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cơn địa chấn lên "cơ thể" vốn dễ bị tổn thương

Trong bài viết chia sẻ trên Facebook của mình, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Fulbright cho biết, một số người so sánh tác động của COVID-19 với SARS năm 2003. Tuy nhiên, việc so sánh này là vô cùng khập khiễng vì sức tàn phá và hệ lụy của COVID-19 ở các quốc gia chịu tác động cũng như đối với nền kinh tế thế giới là đặc biệt nghiêm trọng, đến mức không một đại dịch cận đại nào có thể so sánh được.

Ông cho biết, dịch COVID-19 bùng nổ đúng vào giai đoạn dễ bị tổn thương của chu kỳ kinh tế toàn cầu: Tăng trưởng toàn cầu năm 2019 chỉ ở mức 2,9% - thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009. Kết quả hoạt động của hầu hết các nền kinh kế quan trọng cuối năm 2019 vừa thấp vừa bất định khi trong quý 4/2019, tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt 2,1%, của Trung Quốc chỉ là 6% (thấp nhất trong 27 năm qua), còn của Nhật giảm 6,3%; trong tháng 12/2019, sản lượng công nghiệp của Đức và Pháp đều tăng trưởng âm, lần lượt là -3,5% và -2,6%.

Kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020 gần như đình trệ. Trong tháng 2, tiêu thụ than (chiếm khoảng 60% tiêu dùng năng lượng của TQ) giảm 38% so với cùng kỳ 2019. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2020 rơi tự do từ 50 xuống 35,7. Việc phong tỏa nhiều thành phố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển, khiến cho nguyên vật liệu sản xuất bị ách tắc, nhiều công nhân Trung Quốc không thể trở về nơi làm việc sau Tết, khiến cho các chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế toàn cầu không chỉ thể hiện ở các chỉ số tăng trưởng mà quan trọng hơn, nằm ở những vấn đề có tính cơ cấu của các nền kinh tế lớn. Mỹ, Nhật, Anh và nhiều nước G20 đang thâm hụt ngân sách nặng nề và nợ công đã ở mức rất cao. Đồng thời, lãi suất ở các nền kinh tế quan trọng nhất trong G20 đều đang rất thấp, thậm chí bằng 0 ở nhiều nước EU và âm ở Nhật Bản. Hệ quả là chính phủ có rất ít dư địa để can thiệp về tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế khi đại dịch toàn cầu hoành hành.

Để khắc phục nguy cơ suy thoái toàn cầu buộc phải có những giải pháp toàn cầu. Thế nhưng, cũng theo phân tích của TS Vũ Thành Tự Anh, thế giới lại đang xung đột và chia rẽ sâu sắc, tình trạng mà một số nhà quan sát dự báo sẽ trở thành “chiến tranh lạnh mới” với sự mâu thuẫn về lợi ích chiến lược cốt lõi giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga.

Ở châu Âu, nước Anh đã ra khỏi EU và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ của khối này. Ngay trong phạm vi từng nước, bất đồng giữa các đảng phái cũng đang gây ra sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước khác. Gần đây nhất, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia và nguy cơ leo thang xung đột quân sự ở Syria tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa, khiến thiện chí và nỗ lực phối hợp toàn cầu để chống đại dịch cũng những hậu quả kinh tế của nó trở nên xa vời.

Cú sốc lần này "sẽ rất khác"…

Nhìn cận cảnh hơn, theo vị Tiến sĩ kinh tế học này thì tác động khác biệt “một trời, một vực” đối với kinh tế toàn cầu của SARS và COVID-19 xuất phát từ một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất, so với COVID-19, phạm vi lây nhiễm của SARS tương đối hẹp (26 nước), rất tập trung (92% ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan), số lượng tử vong tổng cộng là 774 – chưa tới 12% số lượng tử vong do COVID-19 gây ra cho đến ngày 16/3/2020. Hơn nữa, dịch SARS kết thúc trong vòng 2 quý, nhờ vậy kinh tế toàn cầu đã hồi phục nhanh chóng theo hình chữ V. Trái lại, COVID-19 xảy ra cho đến nay đã gần một quý, tâm điểm lan truyền di động (đợt 1 là Trung Quốc, đợt 2 là Hàn Quốc và Nhật Bản, đợt 3 là Ý, châu Âu và Mỹ…), hết đợt này đến đợt khác nên kinh tế toàn cầu liên tục ở trạng thái “đóng cửa” từng phần và hết sức bấp bênh.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh thu logistics có thể giảm tới 50% vì COVID-19

    11:00, 17/03/2020

  • Thông điệp của Đại sứ Anh gửi Việt Nam về dịch COVID-19

    10:24, 17/03/2020

  • [COVID-19] Cập nhật danh sách doanh nghiệp chung tay phòng, chống dịch...

    06:00, 17/03/2020

  • COVID-19 giai đoạn 2: Hợp lực “kiềng 3 chân” giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền

    04:50, 17/03/2020

  • [COVID-19] Đầu tư vào nhóm cổ phiếu nào?

    04:18, 17/03/2020

  • [COVID-19] Đến lượt doanh nghiệp thủy sản 'cầu cứu'

    00:16, 17/03/2020

  • Doanh nghiệp Quảng Nam chung tay ngăn chặn COVID-19

    22:34, 16/03/2020

  • Sau dịch Covid-19: Doanh nghiệp tự cứu mình bằng cách nào?

    22:28, 16/03/2020

Thứ hai, khi SARS nổ ra và tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, các nền kinh tế này – đặc biệt là Trung Quốc – chưa quá quan trọng với kinh tế toàn cầu. Khi ấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc mới đứng thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Đức, Nhật, Pháp) và chỉ chiếm 5% trong tổng xuất khẩu toàn cầu.

Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 13% xuất khẩu toàn cầu. Không những thế, các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) hiện chiếm khoảng 75% tăng trưởng thương mại toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục gây ra cú sốc to lớn cho tổng cung và sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tương tự như thế về phía cầu – Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu quan trọng nhất đối với hầu hết các nền kinh tế ở châu Á và là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Hoa Kỳ. Khách du lịch Trung Quốc trong năm 2018 tiêu 277 tỷ đô-la cho du lịch nước ngoài. Tóm lại, Trung Quốc đang tạo ra một lượng cầu bên ngoài to lớn cho rất nhiều nền kinh tế.

Thứ ba, khác với SARS và các đại dịch toàn cầu gần đây, lần này COVID-19 phát tán mạnh nhất ở các nền kinh tế lớn nhất. Trong 10 nền kinh tế lớn nhất cùng nhau tạo ra 66% GDP, 69% sản lượng công nghiệp chế biến – chế tạo, 46% xuất khẩu, và 56% xuất khẩu công nghiệp chế biến – chế tạo toàn cầu. Và cũng 10 quốc gia này cùng nhau chiếm tới 71% số ca nhiễm và 79% số ca tử vong do COVID-19. Rõ ràng là với tầm quan trọng của mình, “khi các quốc gia này viêm phổi, cả thế giới sẽ lao đao” – TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

… nên sẽ là khủng hoảng hay suy thoái?

Nếu như báo cáo mới nhất (1/2020) của IMF về triển vọng kinh tế toàn cầu còn dự báo kinh tế thế giới sẽ bình ổn và phục hồi nhẹ trong năm 2020 và 2021 thì bây giờ các nhà kinh tế bắt đầu nói đến “suy thoái”.

Rõ ràng với những phân tích của TS Vũ Thành Tự Anh nêu trên thì cú sốc kinh tế do COVID-19 gây ra với toàn nền kinh tế thế giới là mạnh và nghiêm trọng hơn cả đại dịch SARS (2003) và khủng hoảng tài chính (2008).

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng khả năng suy thoái là rất cao và đã có rất nhiều người đang nói về điều này.

“Chúng ta đang nói về một nỗi sợ hữu hình khiến mọi người rút khỏi hoạt động kinh tế... Khủng hoảng tài chính đâu có đi kèm tỉ lệ tử vong", nhà kinh tế trưởng của Hãng tư vấn Rosenberg Research and Associates Inc., giải thích nỗi lo.

Bầu không khí hoảng loạn xung quanh con virus là một phần lý do của tác động. Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh bất định, vô phương lên kế hoạch. Giới đầu tư đang tính toán khả năng nền kinh tế Mỹ phải ngừng toàn bộ. 

Theo một báo cáo gửi cho Quốc hội Mỹ, có dự đoán khoảng 150 triệu người Mỹ có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi Canada ước tính 30-70% dân số nằm trong vòng nguy cơ. Ông Keith Henry, CEO hãng sản xuất linh kiện ôtô Windsor Mold Group, chia sẻ tâm tư trong vai trò chủ một doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở Canada: "Sự khác biệt của bây giờ so với năm 2008 là anh không biết được khi nào chiếc giày kế tiếp rớt xuống. Ban đêm tôi không thể ngủ vì cứ hình dung trong đầu đủ mọi kịch bản. Chuyện gì xảy ra nếu một công nhân trong nhà máy nhiễm virus, đóng cửa một dây chuyền lắp ráp dùng linh kiện của Henry? Vậy nếu lỡ một nhà máy của Henry bị đóng cửa thì sao?”.

Không ít ý kiến có cái nhìn bi quan cho rằng nếu nhìn sâu xa hơn, dịch bệnh chỉ là mồi lửa, sự suy thoái của nền kinh tế là bởi tính ảo của nền kinh tế tích tụ từ nhiều năm qua. Nhìn vào giá cả, giá trị, cách định giá và phương thức làm giá trên thị trường chúng ta sẽ nhìn ra được điều đó.

Dịch bệnh COVID-19 có thể coi là một cuộc tấn công bất ngờ và rất mạnh vào toàn bộ thế giới hiện đại. Tình hình càng có vẻ xấu khi tâm lý lo lắng đang mạnh dần.

Ở góc nhìn tích cực hơn, “dù có là khủng hoảng hay suy thoái, thì hiện tại nhân loại đã tích lũy được rất nhiều kiến thức, lực lượng khoa học kỹ thuật toàn cầu chưa bao giờ mạnh mẽ và đầy sáng tạo như hiện nay, tôi tin là thế giới văn minh sẽ sớm vượt qua” – một ý kiến bình luận cho biết.

Suy cho cùng, trong tình hình hiện nay, nhiều người bi quan - chắc chắn sẽ rất nhiều và sẽ không hỏi "liệu kinh tế có suy thoái hay không?", mà là "thời điểm suy thoái là khi nào?". Còn những người lạc quan, sẽ hỏi "chúng ta sẽ làm gì để thích nghi trong tính hình mới?"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[COVID-19] Kinh tế thế giới đang về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO