Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022.
>>>Ngành nông nghiệp kiên định mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD
Theo thông tin từ Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn, hoạt động kinh doanh của đơn vị đã có tín hiệu khởi sắc trong quý II/2023 và được kỳ vọng sẽ phục hồi rõ rệt trong nửa cuối năm nay.
Cụ thể, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này sang Mỹ và Trung Quốc trong quý II/2023 đã lần lượt tăng 31% và 43% so với quý I/2023. Đồng thời, tỷ suất lãi gộp trong quý II/2023 đạt 20,7%, cao hơn mức 17,3% của quý I/2023. Điều đáng mừng, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đã được cải thiện hơn so với quý II/2023 cả về sản lượng và giá.
“Riêng đối với Hoa Kỳ - thị trường quan trọng hàng đầu của Vĩnh Hoàn, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Hoa Kỳ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại. Đặc biệt, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng vừa chính thức ban hành kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Thuỷ sản Vĩnh Hoàn là một trong hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0 USD/kg.
Còn đối với thị trường châu Âu, trong tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sang khu vực này đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 13% và doanh thu xuất khẩu sang các thị trường còn lại (ROW) tăng 20% so với hồi tháng 7/2022”, đại diện CTCP Thuỷ sản Vĩnh Hoàn chia sẻ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc trong đầu quý III này. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm trong tháng 7/2023 của CTCP Thực phẩm Sao Ta đạt hơn 1.900 tấn với doanh số đạt 21,3 triệu USD, tăng 19% về sản lượng tiêu thụ và tương đương về mặt doanh số so với cùng kỳ năm 2022. Xu hướng này tiếp tục cải thiện trong tháng 8/2023 khi công ty ghi nhận doanh số lên đến 22,4 triệu USD - mức cao nhất 19 tháng trở lại đây và trở thành tháng có doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta hiện nhận định xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục được giữ vững trong những tháng tới. Dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9/2023), doanh nghiệp kỳ vọng doanh số những tháng cuối năm nay sẽ chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của công ty hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản, đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam nói chung.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ.
>>>Nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 38 tỷ USD
Theo đó, trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022.
Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.
Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
VASEP nhấn mạnh, xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ…Trong tháng 9/2023, xuất khẩu sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự như tôm, xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.
Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc – HK mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022.
Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.
Đặc biệt, với việc lượng hàng tồn kho đang giảm dần, nhu cầu tiêu thụ lớn cho các dịp lễ tết cuối năm sẽ là thời cơ cho xuất khẩu thủy sản tăng tốc.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU,…, phối hợp với Bộ Công thương để đảm bảo thị trường xuất khẩu linh hoạt, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 29/09/2023
20:36, 29/09/2023
09:00, 29/09/2023