Cổ đông DXG lo ngại, nếu đợt phát hành 300 triệu trái phiếu quốc tế không thành công, DXG đối diện nguy cơ “tắc vốn”.
>>>Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa diễn ra, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) đã trình cổ đông tờ trình phát hành 300 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, tương ứng khoảng 6.959 tỷ đồng. Số tiền thu được dự kiến để cấp vốn cho một số dự án đầu tư và vốn lưu động, hoặc sử dụng cho mục đích khác.
Trái phiếu DXG dự kiến phát hành là loại chuyển đổi/không chuyển đổi quốc tế, không kèm chứng quyền, cho nhà đầu tư nước ngoài. Kỳ hạn trái phiếu lên đến 60 tháng kể từ ngày phát hành. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2022.
Ngoài những thông tin trên, các thông tin về phương án phát hành khá chung chung, đa số các nội dung cụ thể sẽ do “HĐQT quyết định tùy thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành”. Hơn nữa, tờ trình phát hành trái phiếu quốc tế này cũng chỉ được DXG công bố trên website của tập đoàn trước thời điểm diễn ra ĐHCĐ đúng một ngày.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết của HĐQT DXG hồi cuối tháng 3/2022 tiết lộ một số thông tin cụ thể về đợt phát hành trái phiếu này. Cụ thể, đây sẽ là dạng trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Thời hạn trái phiếu dự kiến là 5 năm. Giá chuyển đổi tùy thuộc vào tình hình thị trường chứng khoán nhưng sẽ không thấp hơn 62.000 đồng/cổ phiếu.
Trước thắc mắc của các cổ đông về tính khả thi của phương án phát hành trái phiếu này, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch DXG cho biết, đã tìm được đối tác mua 300 triệu trái phiếu này và tin tưởng đợt phát hành này sẽ thành công.
Mặc dù vậy, cổ đông vẫn băn khoăn về dòng vốn của DXG nếu đợt phát hành này không thành công. Bởi trước đó, trước bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu, HĐQT DXG đã trình cổ đông dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và đã được thông qua từ ĐHCĐ thường niên 2021.
Theo đó, DXG đã có kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phần, tương đương 38,59% tại thời điểm 31/12/2020. Giá phát hành được xác định là giá đã chiết khấu 10 - 15% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất trước thời điểm HĐQT quyết định giá nhưng không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.
>>>Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Bên cạnh đó, DXG cũng dừng phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, vào tháng 6/2021, HĐQT phê duyệt việc chào bán tối đa 300 triệu USD. HĐQT dự kiến niêm yết trái phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.
Theo lãnh đạo DXG, toàn bộ công tác chuẩn bị đã được hoàn thành. Tuy nhiên, do tình hình thị trường tài chính từ giữa năm 2021 đến nay không phù hợp để phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế, HĐQT đề xuất tạm dừng triển khai phương án đã được ĐHCĐ 2021 thông qua.
Trước lo ngại “tắc vốn” của cổ đông, ông Lương Trí Thìn cho biết, ngoài việc tin tưởng đợt phát hành sẽ thành công, DXG cũng có các kế hoạch dự phòng. Cụ thể, công ty sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc bán hàng để có dòng tiền. Một số tổ chức tín dụng trong nước cũng cam kết giải ngân nếu DXG cần tiền. Một số tổ chức nước ngoài cũng mong muốn góp vốn trái phiếu, hợp tác phát triển dự án…
Về kinh doanh, ban lãnh đạo cho biết năm 2022 sẽ đến từ 4 dự án chủ chốt. Cụ thể, Công ty đang bàn giao 2 dự án trên đường Phạm Văn Đồng mà ST Moritz và Opal Boulevard. Đến cuối năm nay sẽ bàn giao thêm Opal Skyline Bình Dương, hiện dự án đã xây đến tầng 25. Song song với dự án trọng điểm là Gem Sky World đã bàn giao đợt 3.
Dù vậy, quý I/2022 tình hình kinh doanh DXG lại không khả quan khi lãi giảm đến 43% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu trong kỳ giảm 39% so với cùng kỳ, xuống 1.792 tỷ đồng. Nguyên nhân chính chủ yếu đến từ việc doanh thu từ bán căn hộ và đất nền trong kỳ chỉ ghi nhận hơn 984 tỷ đồng, giảm gần 55% so với quý 1/2021. Bên cạnh đó, doanh thu từ dịch vụ môi giới cũng giảm hơn 3%, còn gần 710 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, DXG lãi ròng hơn 408 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 270 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, trước những thông tin lan truyền liên quan đến lãnh đạo cấp cao của tập đoàn sau khi ông Lương Trí Thìn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của Đất Xanh Services, cổ phiếu DXG đã bị nhà đầu tư bán tháo và có nhiều phiên giảm sàn liên tiếp.
Trước diễn biến tiêu cực của cổ phiếu DXG, ông Lương Trí Thìn đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu DXG, giao dịch dự kiến được thực hiện vào ngày 27/4 đến 26/5 thông qua phương thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn hoặc thỏa thuận. Ngày 23/5, ông Lương Trí Thìn công bố thông tin đã hoàn thành việc mua vào 5 triệu cổ phiếu này thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Như vậy, tổng số cổ phiếu DXG do ông Thìn nắm giữ hiện tại là gần 105 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 18,04% vốn điều lệ. Tuy nhiên, động thái này cũng không thể khiến thị giá cổ phiếu DXG ngừng giảm.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu DXG được cấp margin trở lại
16:20, 06/08/2021
Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu
03:00, 07/05/2022
Bộ Xây dựng: Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu
03:00, 02/05/2022
"May đo” tư vấn cho các tổ chức phát hành trái phiếu ra sao?
04:40, 12/04/2022
Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu
04:10, 08/04/2022
Quyền lợi trái chủ nhìn từ câu chuyện hủy phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh
14:45, 07/04/2022