Trò chuyện của DĐDN với ông Phan Minh Thông, khi ông ra mắt ấn phẩm thứ hai của mình mang tựa đề “Vượt lên, những con đường kinh doanh”. Sách do NXB Hồng Đức cấp phép, BizBooks phát hành...
Cuộc trò chuyện của DĐDN với ông Phan Minh Thông, khi ông ra mắt ấn phẩm thứ hai của mình mang tựa đề “Vượt lên, những con đường kinh doanh”, NXB Hồng Đức cấp phép, BizBooks phát hành, bắt đầu bằng vấn đề mà rất nhiều độc giả cùng hỏi:
- Ông có thể cho biết tại sao ông lại phát hành sách vào lúc này?
Đây là một câu hỏi mà không ít người đã hỏi tôi. Thực sự mọi việc đều rất tự nhiên. Khi có cuốn sách thứ nhất, tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ có cuốn thứ hai. Nhưng khi đi công tác, đi chơi, gặp những con người, những câu chuyện, thì tôi vẫn thường hay về nhà và viết lại. Thời gian vừa rồi có một khoảng giãn cách rất dài do dịch, thời gian ở nhà nhiều hơn nên tôi cũng sắp xếp được để tập trung nghiền ngẫm và viết. Khi viết nhìn lại cũng đã nhiều, tập hợp lại thì tôi nghĩ sao mình không in thành sách, vừa có thêm một ấn phẩm cho chính mình và biết đâu, lại chia sẻ, truyền được thêm cảm hứng cho mọi người.
- Kinh doanh trong mọi thời khắc nói chung với nhiều người đầy sự thử thách và vật lộn, kinh doanh thời dịch còn khắc nghiệt bởi nhiều khó khăn hơn. Không ít doanh nhân đã chia sẻ về nhà là 11, 12h đêm, đặt lưng mệt lữ là ngủ. Hay cũng có những lúc như chính ông đã viết, có những cú sốc, cú lừa… lo lắng đến mất ngủ. Vậy thật ra ông viết vào lúc nào?
Mỗi người đều có môn giải trí, thú vui cho mình. Có người thể dục, có người chơi golf, có người quảng giao sau kinh doanh là gặp gỡ bạn bè… Về thể dục, tôi dành nhiều thời gian để bơi. Thú vui của tôi như bạn biết, còn có sưu tập tranh và đọc sách. Viết với tôi cũng là 1 “môn” giải trí. Lúc mọi người đi chơi thì tôi đọc, tôi xem tranh, tôi bơi, và tôi viết như một sự giải tỏa cho chính mình…
Ở văn phòng Phúc Sinh chúng tôi có khá nhiều người, chúng tôi luôn đón nhận mọi vấn đề với tư duy tích cực và tìm hướng giải quyết khi có khó khăn, do đó Phúc Sinh rất sớm đã luôn nỗ lực tìm giải pháp phù hợp để xoay chuyển theo thời dịch. Vì vậy mà khi Sài Gòn giãn cách kéo dài, văn phòng vẫn hoạt động, Phúc Sinh Consumer vẫn chạy và thậm chí còn tốc lực hơn vì là cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu qua bán hàng online, các nhà máy ở Bình Dương, Đăk Lăk, xa hơn là Sơn La vẫn hoạt động dù về mặt địa lý vật lý chúng tôi tạm thời giãn kết nối… có lẽ nhờ thế mà tôi vẫn vừa kinh doanh vừa có tâm trí để viết. Cũng không biết là nếu khủng hoảng còn căng thẳng hơn nữa thì tôi có viết được không, nhưng thời gian qua, hễ lôi máy tính ra, là tôi lại thấy có thể tập trung gõ phím được ngay. Cũng có thể chính là do COVID-19, mà trong tôi có sự dồn nén…
- Tôi đã đọc hết những tác phẩm trong “Vượt lên, những con đường kinh doanh”. Nhiều tác phẩm ông viết cuốn hút. Và tôi khá ngạc nhiên về văn phong. Xin hỏi thật là có ai hỗ trợ ông không?
Cũng có rất nhiều người hỏi như vậy (cười). Trước khi sách ra, tôi có mở pre-order (đặt trước). Theo đó tôi bán sách cho bạn tôi Chủ tịch của một Huyện miền Bắc. Anh này khi đọc qua thông tin đã hỏi là có ai chấp bút cho tôi không. Nhưng như đã chia sẻ, tất cả đều do tôi tự viết, từ thói quen thích viết, viết giải tỏa cho mình, mà ra. Tôi viết báo, viết nhiều chuyện khá thường xuyên, có lẽ nhờ thế mà… nâng cấp lên chăng?
Ngoài ra cũng phải nói là tôi thích đọc. Nhờ luôn tranh thủ thời gian đọc xuyên suốt mấy chục năm nên tôi mài dũa được lối viết hoặc ít nhất là cách tư duy để viết. Tôi luôn khát khao mình phải viết gì đó cho nó mới mẻ, hay hơn những gì tôi đã có. Do đó mà một khi viết tác phẩm nào, nếu hài lòng thì tôi giữ lại, chưa thì tôi lại sẽ tiếp tục viết, sửa.
- Gia đình, người thân của ông có ai viết văn, theo nghề văn chương viết lách hay không?
Không, bố mẹ là công nhân, chuyên về kỹ thuật. Nhưng tôi may mắn từ bé đã thích đọc. Tôi học từ sách và đọc mọi thứ, bất cứ gì tôi… vớ được.
Sau này tôi cũng học một số người và đọc nhiều của những người mà tôi yêu thích. Ví dụ như cuốn thứ nhất tôi ưa thích là “Charlie và Hành Trình Nước Mỹ” của nhà văn Mỹ John Steinbeck. Đây là tác giải đã được trao giải Nobel. Tôi thích ông không phải vì ông là người đã có những tác phẩm kinh điển bán được đến hàng chục triệu bản mà quan trọng là tôi ưa thích lối viết đơn giản, giản dị và cuốn hút của ông.
Thành thực là tôi có phần cố gắng học một phần lối viết giản dị ấy. Nhưng sau này thì tôi nghĩ mình không học viết giống như thế nữa.
Còn có một cuốn khác tôi cũng rất mê và đọc đi đọc lại nhiều lần, đó là “Ông già và biển cả” của nhà văn E. Hemingway. Trong cuốn này, có rất nhiều đoạn hội thoại xuyên suốt. Tôi thích cách đó và tự nhủ “tại sao mình không thử?”.
Do đó, tôi viết 1,2, 3 truyện và càng viết càng hài lòng. Có những câu chuyện tôi viết có lẽ là giao thoa giữa cách tôi học viết thứ nhất và thứ 2. Nhưng sau cùng tôi hiểu mình không thể nào copy được lối viết của những tác giả đó.
Dù vậy, tôi vẫn rất hài lòng với những gì tôi đã viết như “Mối làm ăn” hay “Hiệp hội”. Một đối tác doanh nhân là Nhà sách phát hành cuốn sách của tôi, Chủ tịch BizBooks cũng nói rằng anh đã đọc một lèo các chuyện của tôi cho đến khi hết bản thảo…
- Có một thực tế là viết văn không hẳn dễ với nhiều người, bán sách lại còn khó hơn. Ông có nghĩ thế không và là một doanh nhân, ông chuẩn bị kế hoạch phát hành sách ra sao?
Tôi viết văn chăm chỉ và tập trung cho nó, thậm chí khi đang viết dở hoặc có ý tưởng, khi đi trên đường tôi cũng suy nghĩ về nó, về những nhân vật. Nên với tôi sách là sản phẩm trí tuệ cao cấp, là những trải nghiệm đã được chắt lọc. Mà đã là sản phẩm trí tuệ thì tôi không muốn cho không, bán không. Tôi có thể tặng đối tác, bạn bè các sản phẩm công ty tôi làm ra như cà phê, hạt tiêu… nhưng tôi không muốn cho không sách. Chúng ta tôn trọng tri thức thì cần bỏ tiền mua nó. Với cách nghĩ đó, tôi chẳng có gì xấu hổ khi đi bán sách của mình viết ra. Ở cuốn thứ nhất, tôi phát hành 15.000 cuốn, bán được trên 13.000 cuốn và hiện nay vẫn tiếp tục bán được qua online hoặc trên các kệ sách nhà phân phối. Nhiều người nói với tôi đây là con số ấn tượng. Cũng có người nói nếu không hay không bán được. Tôi không khen văn tôi hay nhưng đây là điều mọi người chia sẻ.
Ở cuốn thứ 2, tôi bán pre-order (đặt hành trước khi phát hành) được 1.594 cuốn sau 2 ngày công bố. Có rất nhiều người đặt mua một cuốn, sau đó dù chưa nhận được sách họ vẫn muốn mua tiếp. Ở khía cạnh kinh doanh, tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi là làm thế nào để bán sách? Tôi nghĩ có lẽ vấn đề nằm ở cách làm, ở sự quảng bá. Vì vậy tôi lên kế hoạch và không ít người hỏi tò mò, Có nhiều người mua không đọc. Nhưng nếu tò mò họ sẽ mua và đọc. Tôi hi vọng họ không chỉ đọc, sách còn truyền cảm hứng. Quay trở lại với thực tế, Việt Nam có 100 triệu dân, nhưng tìm đỏ mắt được rất ít tác giả bán được 10.000 cuốn trong 1 lần ra sách. Người VN có yêu sách không? Chúng ta có nền tảng đọc sách như thế nào? Có lẽ thay vì hỏi như vậy thì tôi cần làm thế nào để người ta yêu thích sách, thấy hấp dẫn, muốn đọc từ đầu cuối. Tôi hy vọng bán sớm 10.000 cuốn trong đợt này.
- Ông có thể chia sẻ về đặc trưng đối tượng độc giả mà sách của ông hướng đến?
“Vượt lên, những con đường kinh doanh” là ấn phẩm tập hợp những gì tôi đã trải nghiệm trong cuộc sống, về thất bại, thành công trong kinh doanh, về câu chuyện những người xung quanh, về cảm nhận văn hóa. Tôi viết về sự đa dạng của cuộc sống và về con người. Và tôi nghĩ rằng cuộc sống chúng ta rất đa dạng. Nếu anh trải nghiệm thành công ở đâu đó, ở Hamburg, Chicago, New York… thì có thể mang trải nghiệm đó mà gắn kết với mọi bạn đọc, để mọi người cảm nhận được. Có nhiều người hỏi tại sao tên nhân vật nước ngoài trong sách của tôi khá nhiều. Tôi chỉ có thể nói rằng trong một thế giới phẳng, môi trường văn hóa đa quốc gia rộng mở, sự tiếp xúc các nền văn hóa, những nhân vật, con người không còn phụ thuộc vào các đường biên giới… thì việc nhân vật ở đâu, mang tên theo cách đặt tên của quốc gia nào hẳn cũng không quá quan trọng. Tôi muốn mang tính quốc tế của mình vào trang sách, đâu đó ở Việt Nam, ở châu Âu, châu Mỹ, hay bất kỳ đâu…
-Ngoài chuyện bán sách vì là tác phẩm mà ông chắt chiu, vì là văn hóa, ông có đặt mục tiêu viết và bán sách như một kế hoạch kinh doanh cần phải có lời?
Tôi nghĩ có lời là quan trọng. Nếu không có lời thì đó cũng là một trong những chỉ dấu cho thấy các câu chuyện tôi viết ra đã không truyền được cảm hứng, không được quảng bá xứng đáng như những gì tôi đã tâm huyết chăm chút khi viết và làm sách. Nếu thực sực chăm chút, in ấn đẹp, quảng bá tốt, không có lý do gì nó không có lời. Đấy là cách tốt để bán sách thương mai. Nhiều người có thể vì “friendship” (mối quan hệ bạn bè) để mua cuốn sách của tôi nhưng họ sẽ không mua cuốn thứ 2 cũng vì điều đó. Và họ có thể mua 1 cuốn tượng trưng, cũng không nhất thiết mua lên 5, 10 hay hàng trăm cuốn để chia sẻ, tặng cho người bạn, nhân viên, đối tác… của mình.
- Nếu như vậy, ông đặt giá trị truyền cảm hứng, chia sẻ lên hàng đầu hay có lời là số một?
Thực ra, giá trị tinh thần là quan trọng. Sau cuốn thứ nhất, rất nhiều người gặp tôi ở sân bay họ nó họ đã đọc cuốn sách và những gì tôi đối với họ là câu chuyện truyền cảm hứng. Đấy là 1 cái “lời” lớn. Nhiều người học được cách điều hành kinh doanh, đi công tác nước ngoài, tất cả những bài học kinh doanh ở khía cạnh nào đó mang lãi lớn cho nhiều người. Cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” tôi ra mắt năm 2017 Trường Đại học Ngoại thương đã khá thích, bằng chứng là họ trao giải thưởng một số cuộc thi vui là cuốn sách này khiến tôi rất vui. Cuốn sách mang lại giá trị tinh thần vô cùng to lớn với chính tôi, ngoài tiền.
Bên cạnh đó, nếu bắt buộc phải nhìn bằng con măt kinh doanh, tôi nghĩ cuốn sách cũng truyền thông cho những sản phẩm tôi đang kinh doanh. Chúng tôi hài lòng vì vừa được cái này lại được cả cái kia, được khách hàng trả tiền không chỉ để mua sản phẩm mà còn mua sách.
Tôi không được học để trở thành nhà văn chuyên nghiệp nhưng tôi rất trân trọng trí tuệ và tôi hạnh phúc vì có người mua sách của mình
- Ông có thể “bật mí” một chút về “kỹ thuật” quảng bá sách?
Như chia sẻ, tôi đặt mục tiêu bán 10.000 cuốn sách thứ hai của mình. Ở đợt in đầu, tôi chia giai đoạn 5.000 cuốn. Trong 1.500 cuốn đầu tiên pre-order và “chốt đơn”, chúng tôi có quà tặng kèm 1.300 cái ly in logo Kphucsinh và nay đã hết. Sau đó chúng tôi chuyển sang tặng kèm phin cà phê có in logo Kphucsinh. Phải nói là chắc chắn là mọi người sẽ không mua sách vì các quà tặng nho nhỏ này. Nhưng sách gắn với hoạt động kinh doanh chính của chúng tôi. Chúng tôi có thể quảng bá 2 in 1. Người mua cũng vui. Như vậy là quảng bá win-win.
Ngoài ra, về phía nhân viên Phúc Sinh, các bạn đều rất hào hứng xung phong, lên KPI 2.900 cuốn kế tiếp bên cạnh số đã bán, tức chúng tôi có thể sớm vượt qua mục tiêu giai đoạn đầu. Tôi nghĩ sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của “sale” Phúc Sinh, bên cạnh đó, Phúc Sinh là một thương hiệu, các sản phẩm Phúc Sinh đều bán được rất tốt với mạng lưới khách hàng lớn có sẵn, nên chúng tôi rất dễ bán mọi thứ. Tôi có nhận được review của một người bạn làm ngân hàng đã làm với chung với tôi từ những năm khởi nghiệp đầu tiên, bạn nói rằng trong một năm bạn trình hạn mức tín dụng/ tín nhiệm của Phúc Sinh tới 4,5 lần, và lần nào cũng được phê duyệt. Đó là do Phúc Sinh có uy tín, định mức tín nhiệm cao, khi anh làm tốt và tử tế thì càng dài lâu người ta sẽ càng trân trọng.
- Dù thế nào thì sách cũng là một sản phẩm đặc biệt, khác hẳn với những gì ông và hệ thống Phúc Sinh đang bán ở mảng thực phẩm, gia vi. Hay nói một cách bóng bẩy thì đó là món “chicken soup” cho tinh thần…
Tôi không phủ nhận có lẽ còn có sức hút thương hiệu cá nhân, hay còn gọi là nhân hiệu. Tôi rất hay viết trên các báo, tạp chí như Diễn đàn Doanh nghiệp, Doanh Nhân, Doanh Nhân Sài Gòn, Nhịp cầu Đầu tư…; có rất nhiều bài viết của tôi đã được Ban Biên Tập khen hay, được lượt đọc cao trong tháng của tòa soạn đó…. Với tôi đó lại cũng là xây dựng thương hiệu cá nhân. Ở góc độ kinh doanh, tôi nghĩ mình khá thành công khi là CEO. Theo đó thì “gói” quảng bá cho cuốn sách sẽ có 2 phần, 2 trong 1 là viết lách của tôi và câu chuyện kinh doanh. Nó cũng như cuộc đời tôi vậy.
Khi tôi đang nói chuyện với bạn thì rất nhiều vẫn đang đặt mua sách hay mua các sản phẩm của chúng tôi sản xuất, hay do Phúc Sinh phân phối trên app K Phucsinh. Còn nhân viên tôi vẫn đang chào hàng sách cũng như chào hàng các đơn trong nước và quốc tế. Nói riêng về sách, có rất nhiều độc giả đã đặt mục sách theo… thùng để chia cho nhân viên. Anh Chủ tịch của 1 hãng lớn nói thẳng với tôi là anh mua một cuốn đọc trước, nếu hay anh sẽ mua 600 cuốn cho tất cả nhân viên cùng đọc….
- Những câu chuyện trong cuốn sách thứ hai của ông khá đa dạng góc nhìn, có cả sự “đổi ngôi” khi viết. Thậm chí ông còn “vào vai” nhân vật phản diện, kể lại một câu chuyện và những tâm tư đen… Tất cả đó đều có phải xuất phát từ tư liệu thật trong đời sống kinh doanh của ông?
Ở cuốn thứ nhất tôi viết đơn giản. Có người khen người chê. Có người chê vì muốn không đơn giản, muốn tôi chắt lọc hơn. Khi viết cuốn thứ hai, tôi tự nhủ phải viết làm sao để có sức hút, mà không đánh mất sự đơn giản. Tôi không thích sự rắc rối hay quá mức cầu kỳ, phải suy nghĩ quá vòng vo trong đời sống vốn phức tạp này, dù tôi mong những gì đơn giản tôi viết ra lại có thể là sự “cắt lát” một phần những phức tạp ấy. Tôi có thuận lợi là trải nghiệm rất nhiều. Có thất bại, có thành công, có biết điều hành, biết xoay chuyển làm sao để ứng phó tránh thất bại…. Tất cả những điều đó quyện lẫn trong các ý tưởng và bản thân tôi thích. Thế nên tôi viết ra.
- Ông chờ đợi gì ở bạn đọc, những người sẽ mua ấn phẩm này?
Thực sự tôi nghĩ cuốn thứ 2 sẽ căng thẳng hơn, nhiều dữ dội, nhiều đụng chạm, thậm chí nhiều phản ứng, phản đối. Nhưng tôi tin nhiều người xứng đáng có cần nhìn lại mình. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tất cả những khen, chê, phản ứng. Ở khía cạnh viết văn, chúng ta đưa ra những cái xấu, cái chưa đẹp, cái không hay ho trong đời sống ra ánh sáng. Chúng ta chấp nhận rằng những cái xấu cần được sửa chữa.
Có nhiều người viết về những cái hay ho nhưng chưa chắc đã gây cảm hứng cho con người, chưa chắc đã giá trị. Những cái chưa tốt, những xấu xa, lừa dối… đối khi lại có hiệu ứng giúp con người sống tốt đẹp. Trong kinh doanh cũng vậy, nó sẽ là bài học giúp nhiều người tránh được những lọc lừa. Tôi sửa dụng các dữ liệu, tôi biến thành các câu chuyện khi dùng trí tưởng tượng của nhà văn.
- Gia đình và nhân viên trong công ty phản hồi thế nào về các câu chuyện ông viết?
Mọi người khá là ủng hộ, vợ tôi luôn khuyến khích tôi viết và đọc các tác phẩm của tôi từ đầu đầu cuối. Các nhân viên háo hức với cuốn thứ 2 dù họ chưa biết đầy đủ và cũng phải đợi. Ngay chính họ cũng tò mò và muốn mua sách. Tôi cảm nhận được sự tò mò ở cả các độc giả khác khi họ chờ đợi để đọc đầy đủ nó. Có lẽ mọi thứ sẽ được công bố kỹ hơn khi tôi họp báo ra mắt sách vào ngày…. tới đây.
- Sách của ông có nhiều chuyện về con người, xã hội, văn hóa nhiều nơi trên thế giới. Khách hàng quốc tế của ông có biết ông viết về họ không?
Khi bắt đầu in tôi đã nghĩ đến chuyện in cho độc giả nước ngoài. Tôi nhớ những năm 2000 khi xuất khẩu, rất nhiều hàng rào đa quốc gia ở Việt Nam. Tư duy người Việt cũng hay dìm hàng, chế giễu, lúc đó chúng tôi xuất khẩu rất khó song cuối cùng chúng tôi xuất khẩu mạnh mẽ, tạo cảm hứng cho làn sóng nông nghiệp đi ra cùng thế giới. Khi tôi làm với nhà sách Việt Nam, tôi hỏi họ đã bao giờ xuất bản ra nước ngoài chưa, họ trả lời là chưa khiến tôi vô cùng sửng sốt. Bởi tôi luôn nghĩ là một đối tác quốc tế với thế giới bên ngoài, chúng ta mua bản quyền, nhượng quyền xuất bản của họ để dịch thuật và mang sách vào trong nước, thì chúng ta cũng sẽ làm như thế ngược lại theo nguyên tắc mua đối tác thì bán đối tác. Với sách, tôi tin độc giả Việt Nam chào đón thì độc giả đâu đó cũng sẽ chào đón. Con người là đa dạng. Đối tác tôi hi vọng họ cũng sẽ tìm được câu chuyện thích thú của mình. Nếu phát hành và bán hêt khoảng 10.000 cuốn, tôi sẽ liên hệ xuất bản tiếng anh, sau đó nữa là có thể các tiếng khác.
- Sau khi đọc sách và nói chuyện đến giờ thì tôi thấy, tôi không chỉ nói chuyện với 1 CEO thành công mà dường như còn là một nhà văn?
Tôi nghĩ đây là 1 lời khen. Mọi người đều có cơ hội với cánh cửa văn chương. Phải nói trên thế giới có rất nhiều nhà văn thành công. Họ là một thư ký đời sống và không được đào tạo để thành nhà văn. Ví dụ như các tác giả của "Cuốn theo chiều gió" hay "Harry Porter". Văn chương mở cửa cho tất cả mọi người không trừ một ai. Đấy là điều tuyệt vời và tôi cũng thích khái niệm ấy. Tôi hy vọng và viết. Khi viết tôi cố gắng viết thật nhiều thật tốt. Tương tự như khi kinh doanh tôi sẽ cố gắng bán hàng, không thụ động.
Nói cách khác là dù làm gì tôi cố gắng chuyên nghiệp trong mọi vai. Kết thúc, tôi không nghĩ tại sao mình viết được như vậy, là một tôi trong trẻo, tinh khôi và say đắm như vậy. Khi viết tôi không mang yếu tố kinh doanh vào. Tôi không dám chắc kỳ vọng khía cạnh văn chương của mình chuyên nghiệp, nhưng trên một con đường luôn có nhiều lối rẽ người ta có thể tìm thấy góc nhìn, lối đi của riêng mình. Tôi có khả năng nhận xét tiếp nhận các lời phê bình, biết gạn đục khơi trong để làm tốt. Nếu các độc giả, các công ty đón nhận sách, họ thích là tuyệt vời. Họ mua đã tuyệt vời, đọc và chê càng tuyệt vời hơn. Đó là gia vị cho cuộc sống, cho công việc kinh doanh và thậm chí cho cả các mối quan hệ, liên hệ của chúng ta với đời sống này.
Xin cảm ơn và chúc mừng ông với ấn phẩm mới!