Lãng phí nguồn lực cảng vì thiếu đường vào

TRUNG THÀNH 13/05/2023 02:21

Mặc dù đã được khởi công từ cuối năm 2022, thế nhưng đến nay tuyến đường sau các bến số 3, 4, 5, 6 cảng Lạch Huyện vẫn chưa có phương án đầu tư.

>>Doanh nghiệp “gặp khó” trong đầu tư tuyến đường sau cảng Lạch Huyện

Nhiều nguy cơ “siêu cảng” này sẽ rơi vào tình trạng “bến thì một dạ… cắn răng đợi đường”.

p/Nhiều nguy cơ các

Nhiều nguy cơ các "siêu cảng" khu vực Lạch Huyện sẽ rơi vào tình cảnh bến phải "cắn răng" đợi đường

Theo tiến độ đề ra, đến cuối năm 2024 bến cảng số 3, 4 thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng sẽ đi vào khai thác. Tương tự, các bến 5, 6 do Công ty cổ phần tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo dự kiến, quý IV/2024 các bến này cũng sẽ đi vào khai thác. Thế nhưng, cho đến thời điểm này số phận con đường sau cảng kết nối với bến số 1, 2 cảng HICT vẫn đang loay hoay cơ chế tìm chủ đầu tư.

Có “nhà” mà chưa thấy… ngõ

Để triển khai đồng bộ các dự án, ngay từ năm 2021 Bộ GTVT đã có Quyết định 1603/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Theo đó, quy mô đầu tư chiều dài tuyến đường sau cảng từ cuối bến số 2 đến cổng bến số 5, số 6 khoảng 1,3 km, sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến hơn 614 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025. Năm 2026, dự án sẽ hoàn thành. Chủ đầu tư dự án này là Ban quản lý dự án Hàng hải.

Ngày 11/2/2022, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng. Theo đó, “việc đầu tư hệ thống giao thông đường bộ phía sau các bến cảng khu vực Lạch Huyện và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2 trước mắt tập trung đầu tư đoạn đường từ bến cảng số 2 đến hết bến cảng số 6: Giao các doanh nghiệp đang thi công các bến cảng thực hiện xây dựng đồng bộ hệ thống đường bộ phía sau các bến cảng”. Như vậy, Công ty cổ phẩn Cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần tập đoàn Hateco sẽ thực hiện việc xây dựng tuyến đường sau các bến cảng này.

Theo ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, có 2 hình thức đầu tư tuyến đường phía sau khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên Luật PPP quy định rõ, với lĩnh vực GTVT, tổng mức đầu tư cho dự án PPP phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Việc đầu tư tuyến đường giao thông sau bến 3-6 không đủ tiêu chí do nguồn vốn dự kiến ban đầu là hơn 500 tỷ đồng. Do đó, chỉ còn phương án giao cho doanh nghiệp trực tiếp đầu tư.

Thế nhưng, Cảng Hải Phòng là doanh nghiệp cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ 92,56% cổ phần. Theo Luật Doanh nghiệp, đơn vị này không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư cho công trình này.

Còn với đoạn sau bến cảng 5, 6 của Hateco, cho dù đơn vị này có triển khai cũng trở nên vô nghĩa khi đoạn đường sau bến số 3, 4 phía trước chưa được hình thành. Ngoài ra, theo ông Hoàng Đình Tuấn - TGĐ Công ty cổ phần tập đoàn Hateco, tuyến đường đi qua bến 3, 4 của Cảng Hải Phòng và bến 5, 6 của Hateco có làm đồng bộ, khớp nối được hay không là câu hỏi khó vì hai doanh nghiệp có cơ chế quản lý nguồn vốn khác nhau. Mặt khác, “việc đầu tư tuyến sau bến còn làm thay đổi tổng mức đầu tư và hiệu quả đầu tư của dự án, sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng vay vốn giữa nhà đầu tư và ngân hàng, gây chậm tiến độ triển khai dự án”, ông Tuấn cho biết.

>>Hải Phòng: Doanh nghiệp đề xuất gì để khai thác hiệu quả cảng Lạch Huyện?

Liệu bến có đợi đường?

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc đầu tư tuyến đường sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc Khu bến Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép bộ này tiếp tục đầu tư tuyến đường giao thông sau các bến cảng từ bến 3 đến bến 6 thuộc Khu bến Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng bằng nguồn vốn đầu tư công được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 1603/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2021, đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. “Nếu được chấp thuận, quá trình thực hiện Dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các cơ quan liên quan triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư xây dựng, thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra,...”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT cho rằng, đoạn đường sau các bến số 3 đến bến số 6 nếu được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ tạo bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp khai thác cảng trong công tác gom/rút hàng thông qua cảng bằng phương thức vận tải đường bộ, đồng bộ giữa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông công cộng trên đất của Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ GTVT cho rằng, trường hợp sử dụng vốn doanh nghiệp đầu tư đường sau cảng thì các nhà đầu tư sẽ phải báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND thành phố Hải Phòng điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho các dự án,... Điều này chắc chắn làm chậm tiến trình đầu tư các bến cảng theo quy hoạch được duyệt.

Nếu theo đúng tiến độ các nhà đầu tư đề ra, đến cuối năm 2024 một số bến cảng số 3 – 6 khu cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động thì khả năng rất cao xảy ra tình trạng cảng phải đợi đường. Bởi đến nay, phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sau cảng vẫn còn đang loay hoay.

Được biết, sau “bài học” tuyến đường sau cảng, tới đây từ bến số 7 trở đi, Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục theo qui định và bố trí nguồn vốn trực tiếp đầu tư xây dựng đoạn đường sau cảng container của mình. 

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp “gặp khó” trong đầu tư tuyến đường sau cảng Lạch Huyện

    04:00, 13/11/2022

  • Xây dựng khu bến cảng Lạch Huyện: Có bến mà chẳng có… đường

    20:38, 25/10/2022

  • Hải Phòng: Thúc tiến độ xây dựng các bến cảng nước sâu tại Lạch Huyện

    01:00, 15/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãng phí nguồn lực cảng vì thiếu đường vào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO