“Việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, giảm thiểu khả năng thao túng giá. Tuy nhiên, để tránh rủi ro cần phải có một lộ trình thích hợp…”.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam xung quanh câu chuyện về giải pháp quản lý thị trường xăng dầu hiện nay.
>>Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Đơn vị bán lẻ lo bị "bóp" chiết khấu
Như đã thông tin, ngày 18/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5124/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu thông tin tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh kiến nghị về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Nêu quan điểm về nội dung này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là cần thiết, bởi sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.
Thêm vào đó, theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc quản lý rủi ro trên sàn giao dịch này bằng các phương thức giao dịch như hợp đồng, hợp đồng phái sinh sẽ tốt hơn. Và lợi ích cuối cùng, đó là sàn giao dịch xăng dầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch khác cũng như thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, dịch vụ tài chính ngân hàng, chứng khoán…
"Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu công khai, minh bạch hơn và giảm độc quyền. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của nhà nước, cho nên khi có sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại, khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế", chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì chuyên gia Ngô Trí Long cũng nêu một số thách thức như: chi phí ban đầu lớn, cần cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ ngăn chặn được sự thao túng thị trường, năng lực tham gia của các doanh nghiệp, rủi ro về thị trường và phải tương thích với các quy định quốc tế.
"Việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, để quản lý, vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu và mục đích đặt ra cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Trước mắt, nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp", chuyên gia Ngô Trí Long đề nghị.
>>Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lo phát sinh tiêu cực
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho biết, mô hình sở giao dịch hàng hóa xuất hiện trên thế giới từ thế kỷ 19 và hiện được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt giao dịch phái sinh hàng hóa, giúp thúc đẩy thanh khoản và khả năng phòng ngừa về giá có hiệu quả. Hiện, Việt Nam cũng đã có Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.
Đối chiếu với thực tiễn thị trường, ông Thoả cho rằng có thể thành lập và đưa sàn giao dịch xăng dầu vào vận hành để khai thác những ưu điểm của nó.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc lập sàn giao dịch xăng dầu cũng đối mặt không ít rủi ro. Vì vậy, để thực hiện việc lập sàn giao dịch xăng dầu thì cần có lộ trình, bước đi thích hợp và chỉ thành lập, đưa sàn giao dịch xăng dầu vào hoạt động khi đã đáp ứng hai điều kiện cần và đủ.
Trong đó, ông Thoả cho rằng, điều kiện cần là xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế về sở giao dịch xăng dầu, chính sách tài chính, tiền tệ, hoạt động giao dịch, quản lý, giám sát. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường, giảm thiểu trách nhiệm được giao kinh doanh, đáp ứng đa mục tiêu, được tự chủ về giá.
“Và điều kiện đủ là doanh nghiệp phải được đào tạo đầy đủ kiến thức về thị trường này, có đủ năng lực để nhập cuộc, quản trị dòng tiền, quản lý, giám sát và đặc biệt là kỹ năng phân tích, dự báo thị trường”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm