Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển thương mại điện tử bền vững: Cần quan tâm về mặt chính sách

Gia Nguyễn 02/01/2025 04:00

Dù đã đạt được những tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 vừa qua, tuy nhiên, theo chuyên gia, để thương mại điện tử phát triển bền vững, cần quan tâm về mặt chính sách.

Theo đó, năm 2024, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vượt mốc 25 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2023), chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

phat-trien-thuong-mai-dien-tu-ben-vung-01.01.1.jpg
Năm 2024, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh minh họa: ITN

Hoạt động thương mại điện tử phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước; hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực tế cho thấy, thị trường đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang nền tảng thương mại điện tử. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD. Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

phat-trien-thuong-mai-dien-tu-ben-vung-01.01.2.jpg
Thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội bứt phá về doanh thu cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế - Ảnh minh họa: ITN

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước, giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là “đòn bẩy” cho xuất khẩu trực tuyến.

Báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.

Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - Lê Hoàng Oanh cho rằng, những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.

Thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội bứt phá về doanh thu cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Dù đã đạt được những tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 vừa qua, tuy nhiên, theo chuyên gia, để thương mại điện tử phát triển bền vững, cần quan tâm về mặt chính sách.

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Tuy nhiên, việc thúc đẩy thương mại điện tử hay kinh tế số còn nhiều điểm cần lưu ý, khu vực bán lẻ truyền thống có thể bị thu hẹp... chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách. Bên cạnh đó, điểm lưu ý thứ hai liên quan đến những câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng...

Còn theo ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, quy mô thị trường Việt Nam rất lớn, dân số đông, tiếp cận những sản phẩm mới rất nhanh cũng như thu nhập của người dân đang tăng. Những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biển đảo vẫn có thể tiếp cận được, gần như là không có rào cản. Shopee chia sẻ sáng tạo, sự thay đổi trên thế giới cũng như tại Việt Nam về thương mại điện tử cũng như công nghệ rất nhanh.

“Mong đợi của chúng tôi là các cơ quan chức năng có những cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận, tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới”, vị này chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho hay, năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng để duy trì đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, tăng cường ứng dụng công nghệ và cải thiện dịch vụ khách hàng. Đồng thời, cần nâng cấp hạ tầng logistics và bảo mật cá nhân của khách hàng để tạo ra một môi trường mua sắm an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng.

Được biết, trong định hướng kế hoạch phát triển thương mại điện tử, năm 2025, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất hệ thống pháp luật về thương mại điện tử trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển thương mại điện tử bền vững: Cần quan tâm về mặt chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO