Trước sự phát triển của Internet, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại.
Theo đó, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là vấn nạn và là mối bận tâm lớn trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong môi trường giao dịch số qua các kênh thương mại điện tử trong những năm gần đây. Thương mại điện tử tạo dòng lưu chuyển thông tin và hàng hóa, dịch vụ tới khắp nơi có kết nối internet, xuyên biên giới quốc gia, giảm chi phí giao dịch, gia tăng tiếp cận thị trường và thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Chính tính chất phi biên giới của thương mại điện tử đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nói riêng.
Hiện nay, pháp luật đã quy định về nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc phối hợp với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền theo quy trình công bố tại các quy chế hoạt động của sàn giao dịch. Song trên thực tế, việc thực thi gặp không ít khó khăn bởi tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không xác định được chính xác người đứng sau các tài khoản kinh doanh đang có hành vi vi phạm là ai, ở đâu, nguồn kho hàng đặt ở địa điểm nào.
Ngoài ra, quy định việc hậu kiểm và xử lý các doanh nghiệp không kinh doanh thực tế tại địa chỉ trụ sở đăng ký còn lỏng lẻo và chưa có quy định, cơ chế thống nhất thực thi nên các tài khoản kinh doanh trên sàn thương mại điện tử khi xảy ra vi phạm, việc truy tìm rất khó khăn do các tài khoản đã không còn ở địa chỉ đăng ký dẫn đến gặp khó trong việc thực thi pháp luật và xử lý xâm phạm, cũng như cho chính chủ sở hữu khi muốn tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Trước thực tế nêu trên, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu toàn cầu, vừa đem lại cơ hội nhưng vừa đem lại thách thức cho các quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Để thương mại điện tử phát triển một cách bền vững cần sự chung tay, nỗ lực của các chủ thể tham gia gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng khung pháp lý và thực thi pháp luật một cách hiệu quả, nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử.
“Hiện Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và thực tiễn về kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, thông qua các vụ xâm phạm thực tế để đẩy mạnh thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, triển khai các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân nói chung, quyền đối với nhãn hiệu nói riêng trên nền tảng thương mại số”, ông Trần Lê Hồng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Hạnh Lê, Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, TP Hồ Chí Minh đề nghị, cần xem xét bổ sung các quy định, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn hoạt động mở và quản lý các tài khoản kinh doanh trực tuyến trên mạng, các tài khoản giao dịch thương mại điện tử không qua sàn mà chỉ thông qua các mạng xã hội.
“Ví dụ, có thể quy định yêu cầu mỗi tài khoản mở ra chỉ được gắn liền với một căn cước công dân hoặc một số điện thoại chính chủ đã được đăng ký tại các nhà mạng; yêu cầu về việc báo cáo bắt buộc về việc kinh doanh trực tuyến, báo cáo về nguồn hàng hóa kinh doanh… với cơ quan quản lý hành chính cấp địa phương để cơ quan quản lý có đầu mối kiểm soát và xử lý trong trường hợp có sai phạm. Trên thực tế, chính các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đã và đang có hoạt động thương mại điện tử rất sôi nổi và mức độ lan tỏa lớn, nhưng việc kiểm soát nguồn hàng và chất lượng hàng hóa giao dịch bởi các tài khoản này hầu như không có. Đặc biệt, khi nguồn hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được giao dịch từ các tài khoản này, rất khó để xử lý xâm phạm vì không thể xác định danh tính và nhân thân thực sự đứng sau các tài khoản này”, ThS Nguyễn Thị Hạnh Lê nhấn mạnh.
Cùng với đó, xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử theo hướng nâng cao hơn trách nhiệm của các tổ chức cung cấp sàn giao dịch, siết chặt các yêu cầu, điều kiện mở tài khoản kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là việc lưu trữ và cập nhật các thông tin liên hệ của người chịu trách nhiệm về mỗi tài khoản kinh doanh, để đảm bảo việc phối hợp và phát hiện, truy tìm chủ nhân của các tài khoản có kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử khi có liên quan đến hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.