Chính trị

Phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ: Thử thách lớn, cơ hội vàng cho Việt Nam

Nguyễn Thu Hà 06/05/2025 05:00

Việt Nam là một trong 6 quốc gia đầu tiên được Mỹ ưu tiên đàm phán vào ngày 7/5, bên cạnh những cường quốc kinh tế như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 5/5.

Trước đó, ngày 1/5, đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ làm việc với các cơ quan liên quan của nước này về đàm phán thương mại song phương.

tth.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tại phiên họp Kỳ thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 05/5 - Ảnh: Media Quốc hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, bối cảnh quốc tế liên tục biến động với nhiều yếu tố phức tạp, khó dự đoán. Đáng chú ý, việc Mỹ bất ngờ áp dụng chính sách thuế đối ứng trên diện rộng với mức thuế cao đã gây tác động tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.

Trong bối cảnh ấy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, thể hiện năng lực điều hành mang tính hệ thống, bài bản và linh hoạt. Chỉ trong chưa đầy một tuần sau tuyên bố của Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có điện đàm và thư gửi Tổng thống Donald Trump, đồng thời cử đặc phái viên là Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Washington để trực tiếp làm việc. Những động thái ngoại giao cấp cao này là minh chứng cho quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia trong môi trường toàn cầu đầy biến động.

Trong quý 1/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ nước này 4,1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, việc thành lập Tổ công tác chuyên trách do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu, cùng với việc chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ trong suốt 10 phiên họp liên tiếp đã thể hiện tinh thần kiên định mục tiêu, linh hoạt trong phương pháp. Việt Nam đã thể hiện một thái độ rõ ràng: sẵn sàng hợp tác, đàm phán trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.

Điều đáng nói, Việt Nam là một trong 6 quốc gia đầu tiên được Mỹ ưu tiên đàm phán, bên cạnh những cường quốc kinh tế như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Việc được đưa vào danh sách ưu tiên này là kết quả của nỗ lực ngoại giao cấp cao, phản ánh vị thế ngày càng nâng cao của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, vai trò đối tác thương mại quan trọng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, việc giữ vững “ghế đàm phán” là yếu tố then chốt để đảm bảo ổn định cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Không chỉ dừng lại ở việc phản ứng với tình huống cụ thể, Việt Nam còn tranh thủ cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Báo cáo mới nhất tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 5/5/2025 cho thấy quý I/2025, tăng trưởng GDP đạt 6,93%, mức cao nhất kể từ năm 2020. Điều này cho thấy rằng các chính sách ứng phó đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng, trong khi không ít quốc gia đang vật lộn với suy giảm và lạm phát.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD.

Song song đó, Chính phủ cũng triển khai mạnh mẽ việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, tổ chức lại các đơn vị hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Hiện đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ). Đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tuy nhiên, phiên đàm phán sắp tới với Mỹ cũng là một phép thử lớn. Việt Nam sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi. Nguyên tắc "lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ" mà Thủ tướng nêu rõ là kim chỉ nam cần thiết trong suốt tiến trình đàm phán sắp tới.

Đàm phán thương mại chưa bao giờ là cuộc chơi dễ dàng, đặc biệt khi đối tác là một siêu cường với hệ thống luật pháp chặt chẽ, nhiều tầng nấc và đầy biến số như Mỹ. Nhưng Việt Nam đã có đủ kinh nghiệm và sự trưởng thành để bước vào bàn đàm phán với tư thế của một quốc gia độc lập, tự chủ, và có tiếng nói riêng. Bài học từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…) đã giúp Việt Nam xây dựng được một đội ngũ đàm phán vững vàng, chuyên môn cao và có tầm nhìn chiến lược.

Tới đây, điều quan trọng là sự đồng lòng từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân. Việc ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ không thể chỉ dựa vào các quyết sách từ trên, mà cần cả sự chủ động của từng ngành hàng, từng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và cải thiện chuỗi cung ứng.

Có thể nói, phiên đàm phán ngày 7/5 không chỉ là một cột mốc ngoại giao, kinh tế, mà còn là biểu tượng cho một Việt Nam tự tin, bản lĩnh và sẵn sàng đối diện với thách thức toàn cầu. Trên bàn đàm phán ấy, không chỉ là những dòng thuế, mà còn là hình ảnh của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ bằng trí tuệ, bằng đối thoại, và bằng tinh thần hợp tác bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ: Thử thách lớn, cơ hội vàng cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO