Thuế quan Mỹ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Cụ thể, khi hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, hàng Việt có thể được ưu tiên hơn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Tại Tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với ba phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60 - 65% tùy từng năm. Để đạt tăng trưởng GDP như vậy, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào con số này vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19.
Ngoài ra, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khi Chính quyền Mỹ đưa ra mức áp thuế quan với các quốc gia và đang trong giai đoạn 90 ngày tạm hoãn, về xuất khẩu cần có giải pháp để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, hay các thị trường truyền thống có rủi ro về thuế.
Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với chính sách tài chính ưu đãi. Bộ Công Thương đề xuất các cơ quan chức năng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Đồng thời, đề xuất các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị áp dụng công nghệ xanh và tiêu chuẩn bền vững. Từ đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung-cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý. Hướng dẫn các địa phương triển khai các kế hoạch dự trữ và phân phối hàng hóa thiết yếu, phối hợp với doanh nghiệp để bảo đảm nguồn cung ổn định trong các giai đoạn cao điểm.
“Các giải pháp này sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, duy trì giá cả ổn định và tạo điều kiện để doanh nghiệp vận hành hiệu quả, củng cố niềm tin của người tiêu dùng”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay: “Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt, các ngân hàng tăng cường cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi cùng với các chính sách thuế hỗ trợ sản xuất nội địa”.
Tín dụng và tiêu dùng nội địa có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong năm 2024, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng thường chiếm tỷ lệ 12-15% trong tổng tín dụng cả nước. GDP danh nghĩa của Việt Nam đạt 11,51 triệu tỷ đồng, trong khi đó chi tiêu hộ gia đình là 6,2 triệu tỷ đồng và dư nợ cho vay tiêu dùng là 2,89 triệu tỷ đồng.
“Tín dụng tiêu dùng ngày càng đóng vai trò lớn trong tiêu dùng hộ gia đình. Chi tiêu hộ gia đình vẫn tăng, nhưng tỷ trọng so với GDP lại đang giảm cho thấy người dân dường như có xu hướng chi tiêu ít hơn so với quy mô của nền kinh tế, không đi cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP”, ông Thắng cho hay.
Tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều, tuy nhiên tốc độ tăng dư nợ cho vay tiêu dùng đang chậm lại. Tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng/tổng dư nợ toàn nền kinh tế cũng giảm. Tổng dư nợ năm 2023 là gần 15%, nhưng đến năm 2024 tỷ trọng này lại giảm về còn 12%.
Nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu mà thiếu sức cầu nội địa ổn định sẽ dễ bị "tổn thương" trước các "cú sốc toàn cầu". Cú sốc này cũng được thể hiện ở thị trường vốn và thị trường tiêu dùng nội địa.
Trong giai đoạn 2019–2024, dữ liệu cho thấy khoảng cách tăng trưởng giữa chi tiêu hộ gia đình và tín dụng tiêu dùng – không chỉ về độ lớn mà còn về nhịp điệu tăng trưởng và khả năng cộng hưởng.
Khoảng cách tăng trưởng này là chỉ báo rủi ro dài hạn. Nếu chỉ “bơm” tín dụng tiêu dùng mà không có các giải pháp thực chất để tăng thu nhập và niềm tin tiêu dùng, thì dòng tín dụng sẽ không phát huy hết tác dụng lan tỏa đến kinh tế thực. Đồng thời, khi tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình yếu, toàn bộ nền kinh tế mất đi “trụ đỡ” quan trọng, tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu – vốn dễ tổn thương trước biến động toàn cầu.
Theo đó, ông Thắng khuyến nghị thúc đẩy cầu nội địa để củng cố trụ cột tăng trưởng bền vững. Chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm trên 53–57% GDP Việt Nam, tức cầu nội địa là động lực chính của tăng trưởng. Tín dụng tiêu dùng tạo đòn bẩy tài chính giúp hộ gia đình mua sắm, nâng cấp nhà cửa, xe cộ, học hành… sớm hơn, từ đó kích cầu sản xuất và dịch vụ.