Tiêu dùng nội địa tuy đã phục hồi nhưng chưa mạnh mẽ như kỳ vọng để đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng cao.
Nỗ lực phục hồi
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%). Mức tăng này được Tổng cục Thống kê nhận định, có sự đóng góp tích cực của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.
Tháng đầu của năm 2025 - năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, những kết quả khả quan trên là sự khởi đầu khá suôn sẻ. Kết quả này cũng được hỗ trợ lớn từ các chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng trong nước như giảm thuế VAT hay chính sách thị thực thuận lợi nhằm thu hút khách du lịch quốc tế…
Theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia, cùng với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 1,8 triệu lượt người, chiếm 86,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 228,4 nghìn lượt người, chiếm 11,0% và tăng 29,1%; bằng đường biển đạt 44,9 nghìn lượt người, chiếm 2,2% và giảm 7,2%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, mục tiêu đón khoảng 20 triệu khách quốc tế năm 2025, tăng 2,5 triệu lượt khách so với năm 2024 khá khả thi. Khách du lịch tăng, nhu cầu chi tiêu, sử dụng dịch vụ tăng là đòn bẩy góp phần tăng trưởng thị trường nội địa.
Tăng trưởng tiêu dùng nội địa năm 2025 được hỗ trợ lớn từ nền tảng phát triển mạnh mẽ các hoạt động bán lẻ qua các kênh phân phối trực tuyến. Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2024 vừa được Metric công bố, năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Với 5 sàn thương mại điện tử phổ biến (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo), doanh thu năm 2024 đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm trước. Với 3,42 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 50,76% so với năm 2023, trung bình mỗi ngày, người Việt chi khoảng hơn 870 tỷ đồng mua hàng online.
Trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của các kênh phân phối trực tuyến, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích… đang liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, giảm giá, ưu đãi luân phiên nhiều mặt hàng, ngành hàng khác nhau nhằm kích cầu mua sắm, thay vì giới hạn trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm như trước đây.
Đồng bộ các giải pháp
Với những nỗ lực trên, tiêu dùng nội địa ghi nhận sự phục hồi tích cực, đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tăng trưởng thời gian qua chưa trở lại mức 2 con số như ở giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Chưa kể, phân tích cấu trúc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bà Đinh Thúy Phương - Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, cơ cấu tiêu dùng với các mặt hàng phục vụ thiết yếu đời sống chiếm tỷ trọng 77%.
Trong khi đó, các dịch vụ xã hội khác như lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành, vui chơi, giải trí… đều giảm so với trước đại dịch cho thấy, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, tập trung mua sắm, tiêu dùng ở các nhóm hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Chi tiêu đối với các dịch vụ xã hội đều giảm so với thời kỳ trước dịch.
Vì vậy, để tiêu dùng nội địa tăng trưởng 2 con số, đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng cao trong năm 2025 và những năm tiếp theo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, cải thiện thu nhập của người dân để thúc đẩy chi tiêu. Chính sách hướng đến đảm bảo cho tất cả người trưởng thành có thu nhập khả dụng.
Thứ hai, phát triển các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ "made in Vietnam" phù hợp, đảm bảo chất lượng với giá cả phải chăng.
Để tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng, người dân cần mua sắm hàng hóa, dịch vụ nội địa. Nếu người dân tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu, vô hình chung GDP bị giảm đi.
Chẳng hạn, từ con số thống kê của ngành du lịch năm 2024 cho thấy, với 17,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trên 33%. Doanh thu xuất khẩu dịch vụ du lịch năm 2024 đạt 12,17 tỷ USD. Ngược lại, với 5,3 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, nhập khẩu dịch vụ du lịch đã là 12,57 tỷ USD, con số nhập siêu là 380 triệu USD.
Thực tế trên cho thấy cần thực hiện tốt song song 2 vấn đề: kích cầu du lịch trong nước và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn ở các phân khúc để khách du lịch đến Việt Nam chi tiêu nhiều hơn.
Thứ ba, quan tâm phát triển hình thức thương mại mới như thương mại điện tử hỗ trợ kích cầu.