Doanh nghiệp

Doanh nghiệp kỳ vọng vào đàm phán thuế quan

Tuấn Vỹ 16/04/2025 14:03

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng việc đàm phán thuế đối ứng với chính quyền Mỹ sẽ có nhiều kết quả thuận lợi.

Chính quyền Mỹ đã hoãn áp đặt mức thuế quan đối ứng trong vòng 90 ngày để các bên có thể đàm phán các thỏa thuận.

Doanh nghiệp tin tưởng vào đàm phán

Hiện tại, Mỹ đã thực hiện hoãn áp thuế đối ứng mức 46% với đối tác Việt Nam và mức thuế tạm thời được áp là 10%. Vấn đề này trước đó đã có nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng bởi không rõ thời gian tới các quyết định sẽ có những thay đổi thế nào.

bct.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào đoàn đàm phán Chính phủ về thỏa thuận thương mại đối ứng với Hoa Kỳ sẽ đạt được thành công. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Theo các doanh nghiệp, nếu mức thuế đối ứng giữ nguyên, đây sẽ là thiệt hại lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, những thay đổi trong thuế quan của Mỹ sẽ tác động không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, điện tử, thủy sản - vốn xuất khẩu nhiều sang Mỹ.

Nhiều đơn vị cũng cho rằng nếu mức thuế 46% được áp dụng, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, nhất là doanh thu xuất khẩu sụt giảm khoảng 35-40%. Trong tương lai, các đối tác Mỹ sẽ thay đổi thói quen mua hàng từ mua FOB (mua tại cảng) sang mua DDP (giao tới kho người mua hàng), để đẩy rủi ro về cho người bán và sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược của doanh nghiệp.

Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay từ trước đến nay thị trường Mỹ vẫn là thị trường rất khó khăn đối với ngành tôm của Việt Nam, bởi khó cạnh tranh được với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia,... Vị này cho biết Mỹ còn đánh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại ông Lĩnh đang đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc đàm phán của Việt Nam và Mỹ. Theo ông Lĩnh, 2 bên đã có những tính toán nhất định và cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ.

“Có lẽ vấn đề lo ngại của doanh nghiệp đã giảm đi và chúng tôi tin tưởng rằng chắc chắn chúng ta sẽ đàm phán được. Có thể thấy rằng một trong những nguyên nhân thuế quan tăng cao xuất phát từ độ chênh giữa kim ngạch xuất nhập khẩu, khi Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nhập”, ông Lĩnh nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lĩnh tin tưởng các cuộc đàm phán sẽ tốt đẹp. Bởi lẽ, các ngành chức năng đã có những tính toán về biên độ và chắc chắn mức thuế sẽ hạ xuống.

“Hàng hóa của doanh nghiệp vẫn xuất đi bình thường, chúng tôi cũng đã có những tính toán. Tất nhiên là sau vấn đề này sẽ có những đổi khác, doanh nghiệp chúng tôi đang tính thêm đến việc đa dạng hóa thị trường”, ông Lĩnh nói thêm.

Nhiều địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp

Trước nỗi bất an của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đã có thư gửi đến các doanh nghiệp để chia sẻ. Theo ông Bình, UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy chính sách này có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản và điện tử...

990e003fad8b7dd5249a.jpg
Các địa phương đều động viên doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ.

Để thích ứng kịp thời với những thay đổi chính sách thuế này, ông Bình cũng như chính quyền Quảng Nam đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát tình hình hoạt động, đánh giá mức độ ảnh hướng của chính sách thuế quan mới đối với các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đặc biệt, là các hợp đồng đã ký kết và dự kiến thực hiện trong năm 2025.

“Các doanh nghiệp chủ động xem xét mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc thị trường nội địa nhằm đa dạng hóa thị trường; tăng cường nội địa hóa nguyên liệu, cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất nhằm giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh của sán phẩm trên thị trường quốc tế. Đó là những biện pháp trước mắt tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp”, ông Phan Thái Bình khuyến nghị.

Tại đây, ông Bình cũng khẳng định UBND tỉnh Quảng Nam cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất cấp có thẩm quyền về các giải pháp hỗ trợ thích ứng kịp thời với những thay đổi chính sách. Đồng thời, tích cực chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho hay tính chung quý I/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 803 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 463 triệu USD, tăng 3,0%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 340 triệu USD, tăng 9,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì xuất siêu 123 triệu USD.

Trong quý, ông Ánh cho rằng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng, một số nền kinh tế lớn đang điều chỉnh chính sách thương mại, dự kiến gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian đến. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu chưa có sự bứt phá, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ chưa cao và không đồng đều giữa các nhóm hàng hóa, một số mặt hàng có kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như gỗ và các sản phẩm từ gỗ; sắt, thép và các sản phẩm từ sắt, thép; lương thực thực phẩm, đồ uống... Kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 ước thực hiện 463 triệu USD, chỉ tăng gần 3,0% so với cùng kỳ 2024.

Trong thời gian tới, ông Ánh đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động triển khai phương án hoạt động, kinh doanh cho phù hợp và đón đầu khả năng điều chỉnh thuế của Mỹ. Ông Ánh cũng nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp cần hỗ trợ thì địa phương sẽ sẵn sàng thực hiện thuộc thẩm quyền.

Theo thông tin, tại khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã cho biết Chính phủ, Thủ tướng rất nỗ lực triển khai giải pháp để chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội, Thường vụ sẵn sàng xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với thuế quan của Mỹ.

Trong đó, việc bàn bạc thực hiện trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để giải quyết các đề xuất nhanh, tốt nhất. Trong đó, các chính sách đề xuất mà Quốc hội có thể được xem xét ngay tại kỳ họp vào tháng 5, gồm miễn, giảm, giãn thuế,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp kỳ vọng vào đàm phán thuế quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO