Kinh tế

Vượt “bão” thuế quan, giữ vững tăng trưởng

Thy Hằng thực hiện 18/04/2025 05:00

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định: Chúng ta có đủ yếu tố để tự tin, bình tĩnh vượt khó.

le-duy-binh.jpg

Mặc dù Chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố tạm hoãn 90 ngày đối với đợt áp thuế đối ứng mới, tuy nhiên thách thức vẫn hiện hữu. Do đó, việc kiên định hiện thực mục tiêu tăng trưởng 8% yêu cầu nhiều nỗ lực.

- Ông nhận định mức thuế 46% của Chính quyền Hoa Kỳ sẽ tác động như thế nào tới các doanh nghiệp Việt? Những ngành, lĩnh vực nào sẽ “ngấm đòn” mạnh nhất?

Mức thuế này nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Rõ ràng đây là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là với nhiều doanh nghiệp và ngành hàng, vì hàng hóa của chúng ta sẽ đắt đỏ hơn khi xuất khẩu vào Mỹ, tăng lên mấy chục phần trăm. Do đó, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ thấp hơn so với các nền kinh tế khác xuất khẩu cùng mặt hàng nhưng chịu mức thuế thấp hơn.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, doanh nghiệp FDI, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp từ Hoa Kỳ. Hàng triệu việc làm trong các ngành này cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng.

- Còn với dòng vốn FDI – động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao, thưa ông?

Thứ nhất, với sắc thuế này, Tổng thống Trump muốn một số dòng vốn FDI quay lại Hoa Kỳ hoặc gần Hoa Kỳ hơn, nhưng không phải toàn bộ.

Thứ hai, một số bài toán kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng do sắc thuế đối với hàng hóa Việt Nam tăng. Tuy nhiên, sắc thuế này không vĩnh viễn mà phụ thuộc vào quyết định của chính quyền Tổng thống Trump, không xuất phát từ môi trường kinh doanh và đầu tư Việt Nam. Do đó, Việt Nam vẫn có thể khẳng định lợi thế của mình để thu hút đầu tư FDI. Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để thu hút nguồn vốn này, miễn là tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư.

fdi3.jpg
Kinh tế - xã hội quý I/2025 Việt Nam đạt kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tính đến ngày 31/3/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Cục Thống kê (Bộ Tài chính)

- Tuy nhiên xuất nhập khẩu thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, chúng ta nên hành động thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, thưa ông?

Khi xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, chúng ta cần trông chờ vào những động lực tăng trưởng khác. Xuất khẩu vào Hoa Kỳ khoảng 120 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 29,5% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, sắc thuế này cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ nhưng không đồng nghĩa với việc xuất khẩu Việt Nam - Mỹ sẽ giảm rất thấp.

Chúng ta kỳ vọng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng có biện pháp thích nghi với tình hình, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách khác để tiếp tục duy trì mức xuất khẩu vào Hoa Kỳ ở mức độ vừa phải, có thể không như những năm trước nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì.

Thực tế, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh riêng, so sánh hoặc tuyệt đối, ví dụ như da giày hay thủy sản, những mặt hàng như nông lâm sản, rau quả nhiệt đới, một số mặt hàng khác như đồ gỗ cũng có lợi thế nhờ nhân công. Từ đó, nếu khai thác tốt lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh thì chúng ta vẫn tiếp tục duy trì mức xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Đồng thời, chúng ta sẽ tìm cách xuất khẩu vào các thị trường khác như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản hoặc một số nền kinh tế ở châu Mỹ Latinh để duy trì tốc độ xuất khẩu cao hơn, tạo động lực tăng trưởng mạnh từ xuất khẩu.

Quan trọng hơn chúng ta phải nhìn vào các động lực khác của tăng trưởng GDP. Thứ nhất, đầu tư tư nhân phải được đẩy mạnh để bù đắp phần thiếu hụt của tổng cầu do xuất khẩu sang Mỹ giảm. Thứ hai, đầu tư tư nhân được đẩy mạnh. Thứ ba, tiêu dùng trong nước cũng phải được chú trọng. Cuối cùng, đầu tư công cũng cần được thúc đẩy mạnh hơn.

- Vậy ông có lưu ý gì với các doanh nghiệp trước tác động từ “cơn bão” thuế quan này?

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần thực sự bình tĩnh, đồng thời cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau tuỳ tình hình. Sắc thuế này ảnh hưởng tới doanh nghiệp của tất cả các nền kinh tế khác chứ không chỉ riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu đàm phán thành công và sắc thuế này đối giảm xuống, thì tình hình cũng không đến nỗi quá tệ do các nền kinh tế khác cũng chịu mức thuế tương tự khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp cũng cần phân tích tình hình cụ thể, có chiến lược thích ứng với từng mặt hàng. Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa, cạnh tranh với hàng nhập khẩu để chiếm lĩnh thị phần ngay trong thị trường nội địa cũng là điều các doanh nghiệp cần làm.

Các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cần cùng các bộ, ngành xây dựng các luận điểm để chứng minh tại sao giảm mức thuế hợp lý đối với Việt Nam lại mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, đó sẽ là giải pháp win-win để hai bên cùng thắng và đó mới thực sự đúng phương châm “Nước Mỹ Trên Hết” của Tổng thống Trump.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vượt “bão” thuế quan, giữ vững tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO