Putin đưa kinh tế Nga vào vòng tay Trung Quốc!
Xem chừng, Nga ngày càng lún sâu vào mối quan hệ lệ thuộc với Trung Quốc, thông qua kiểm soát tài chính để buộc Nga bán năng lượng giá rẻ.
>>Putin và sự ngang trái của đồng Rúp
Trung Quốc “nhất tiễn trúng tam tiêu” từ chiến sự Nga - Ukraine. Bắc Kinh đã có những nước đi khôn ngoan vừa tránh gây thêm mâu thuẫn với phương Tây vừa không làm mất lòng “bạn tốt” Putin lại có thể “ngư ông đắc lợi” sau thời gian ngắn “tọa sơn quan hổ đấu”.
Với lá phiếu “trắng” tại đại hội đồng LHQ, Phương Tây chẳng thể tìm ra lý do để bắt bẻ Trung Quốc ngoài cáo buộc yếu ớt “không lên tiếng phản đối Nga”. Đến thời điểm này Washington cũng chẳng thể làm gì khi đồng Nhân dân tệ bắt đầu tham chiến.
Một số công ty Trung Quốc đã mua than và dầu thô từ Nga bằng Nhân dân tệ vào tháng 3, lô hàng đầu tiên sẽ giao trong tháng 4 và tháng 5 tới, đây là thương vụ đầu tiên được mua bằng tiền Trung Quốc kể từ khi Nga bị trừng phạt tài chính.
Điều này rất có lợi cho Trung Quốc, tiếp cận nguồn năng lượng dồi dào từ Nga (với giá rẻ), dư sức đáp ứng cho nền kinh tế ngốn dầu thô nhiều nhất thế giới. Thậm chí có thể làm tăng quy mô kho dự trữ chiến lược.
Đồng Nhân dân tệ - mang tham vọng bá quyền có cơ hội rất tốt để quốc tế hóa, bước ra sân chơi lớn, được dùng làm đồng tiền thanh toán trên thị trường dầu thô và khí đốt. Không dừng lại ở đó, Moscow và Bắc Kinh sẽ đàm phán để định giá một phần giá trị dầu thô bằng Nhân dân tệ.
Tầm ảnh hưởng tiền tệ Trung Quốc có cơ hội bứt tốc. Hiện tại chỉ có 4% thanh toán quốc tế sử dụng Nhân dân tệ, nhưng giá trị giao dịch dầu khí Nga mỗi năm trên 350 tỷ USD, dung lượng này giúp gia tăng đáng kể vị thế cho Trung Quốc. Còn gì tốt hơn nếu một đồng tiền được gắn với giá trị từ các mỏ dầu khổng lồ?
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiểm soát năng lượng - ngành kinh tế xương sống của Nga. Hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin uy tín cho biết, nhiều công ty Trung Quốc có thể thay mặt Nga đàm phán cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho bất kỳ đối tác nào!
Vì sao Trung Quốc tỏ ra mau mắn với năng lượng khi nhu cầu trong nước giảm sâu do chính sách chống dịch nghiêm ngặt? Không ngoài mục đích dự trữ, dựng lên các mỏ dầu nhân tạo khổng lồ, dùng dầu mỏ làm bệ đỡ cho chính sách ngoại giao trong tương lai gần.
Quan hệ kinh tế Nga - Trung càng bền chặt khi phương Tây tăng cường cấm vận, có thể coi đây là thất bại chung của phương Tây và Nga. Vì rằng, đẩy Nga và Trung Quốc cùng liên thủ sẽ tăng thách thức với quyền lực Mỹ và an ninh năng lượng, quốc phòng châu Âu.
Vô hình dung, mâu thuẫn của phương Tây mở ra con đường cái quan để Trung Quốc phát huy khả năng nắm bắt thời cơ “ngìn năm có một”, chen chân vào thị trường quan trọng nhất, chính là dầu khí.
Trung Quốc đặt tham vọng đến năm 2035 đuổi kịp Mỹ, hầu hết những kế hoạch dài hạn và tầm nhìn đất nước đều lấy mốc thời gian này. Gia tăng vị thế đồng tiền, quốc tế hóa Nhân dân tệ cũng đồng nghĩa là hạ bệ vị thế độc tôn hiện có của USD.
Xem chừng, Nga ngày càng lún sâu vào mối quan hệ lệ thuộc với Trung Quốc, thông qua kiểm soát tài chính để buộc Nga bán năng lượng giá rẻ, có Moscow bên cạnh, nỗi sợ Mỹ vơi đi rất nhiều với ông Tập Cận Bình.
Có thể bạn quan tâm
Putin ra tối hậu thư, Donbass sắp rực lửa?
05:30, 11/04/2022
Điều Putin cần, Ukraine có thể đáp ứng?
05:08, 09/04/2022
Putin sai lầm, giúp đối thủ mạnh lên!
05:15, 07/04/2022
Nước Nga là gì nếu ông Putin đánh bại Ukraine?
05:27, 05/04/2022
Nga suy yếu, lỗi tại Putin hay vì châu Âu?
05:26, 01/04/2022
“Mong manh” chiếc vali hạt nhân của Putin
05:00, 29/03/2022
“Giải phóng Donbass”, Putin đã thất bại?
05:07, 28/03/2022