Châu Âu ít... "cãi nhau" hơn khi họ cùng nhau nhận thấy mối nguy an ninh kinh tế, chính trị cận kề từ khu vực Đông Âu.
>>Nước Nga là gì nếu ông Putin đánh bại Ukraine?
Liên minh châu Âu (EU) tưởng chừng tan rã sau khi nước Anh Brexit thành công, một số thành viên lâu năm như Áo, Italy bất mãn với cách điều hành Liên minh đạm tính “chính quyền trung ương”.
Cũng có thể thấy rằng, mô hình EU đã bộc lộ điểm yếu, nó như một quốc gia khổng lồ, đa tính cách không còn nhạy bén trước những biến động rất khó lường từ bên trong lẫn bên ngoài.
EU cũng đạt đến tới hạn tăng trưởng và phát triển do già hóa dân số, gánh nặng an sinh xã hội, phụ thuộc an ninh vào Mỹ, cậy nhờ năng lượng từ Nga, vị thế giảm sút nghiêm trọng trong các vấn đề quốc tế.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin nhằm vào Ukraine như gáo nước lạnh thức tỉnh EU, nhận thấy sự sống còn của đoàn kết, làm sống dậy slogan “thống nhất trong đa dạng”. Nếu không hành động như thế, từng quốc gia riêng rẽ tại châu Âu không đủ sức chống lại Moscow.
Về an ninh, quân đội châu Âu được tổ chức theo luật pháp chung của khối, nhưng chưa bao giờ đội quân này được sử dụng nhằm vào đối phương cho đến khi Nga tấn công quân sự Ukraine.
Rất nhanh, sau khi nhận thấy xung đột Nga - Ukraine chắc chắn xảy ra “La bàn chiến lược” được dựng lên, lần đầu tiên sau thế chiến II, EU xây dựng kịch bản vô cùng chi tiết cho các phản ứng nhanh, linh hoạt, mạnh mẽ để bảo vệ an ninh khu vực.
Chiến lược này còn đủ sức thay thế lá chắn NATO, nghĩa là EU đã hành động một cách chủ động trước mối nguy toàn cầu. Không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ và NATO mà buộc phải trang bị cho mình sức mạnh “cứng”, tức sức mạnh quân sự để khi cần thiết có thể tự bảo vệ được các lợi ích sống còn của chính mình.
Về kinh tế, vài tuần qua chứng kiến sự thay đổi rất nhanh ở châu Âu về quan điểm cấm vận hay không cấm vận năng lượng Nga, ban đầu chỉ có Ba Lan và 3 thành viên nhỏ vùng Baltic, các thành viên lớn Tây Âu phản đối kịch liệt.
Nhưng sau thảm sát Bucha khiến 300 dân thường thiệt mạng, đại diện các quốc gia Đức, Pháp, Hà Lan đã thay đổi ý định. Lệnh cấm dầu thô và khí đốt rất nhiều khả năng sẽ được kích hoạt.
Cuộc chiến năng lượng Nga - EU có ý nghĩa đặc biệt với “lục địa già”, đây không chỉ là hiện thực hóa tuyên bố chống chiến tranh, ủng hộ Ukraine mà quan trọng hơn, EU đang vùng vẫy để thoát ra khỏi chiếc “kén” năng lượng Nga.
Vậy, tại sao châu Âu muốn thoát Nga và chống Nga? EU và NATO từng muốn thâu nạp Moscow, nhưng Putin không hứng thú với hai tổ chức này. Lý do Nga là nước lớn đúng nghĩa, họ không muốn cùng lá phiếu đồng hạng với các nước tí hon, cùng chịu sự điều chỉnh của một chính quyền trung ương đóng tại Brussels.
Vì như vậy, Nga đương nhiên trở thành một thế lực khác biệt tại châu Âu, chính sách đối ngoại 20 năm qua dưới trướng Putin không đặt nhiều niềm tin vào EU, trong mắt Kremlin, EU không khác gì sân sau của Mỹ.
Oái ăm ở chỗ, EU không thể tồn tại nếu thiếu dầu mỏ và khí đốt mua từ Nga, hầu như là nguồn duy nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất nhờ khoảng cách địa lý thuận lợi, hạ tầng vận tải hoàn chỉnh.
Nhưng mua năng lượng Nga rồi biết làm sao ngăn cản Putin nếu như Moscow tỏ tham vọng đẩy lùi NATO ra khỏi phía Đông, chia rẽ châu Âu để vô hiệu hóa sức mạnh Washington?
Đẩy châu Âu lại gần nhau hơn là tính toán sai lầm của Putin, giờ đây Nga không những không thể chia rẽ khối này, dùng năng lượng gây ảnh hưởng địa chính trị mà còn tạo ra thêm kẻ thù.
Riêng rẽ các nước châu Âu không quá mạnh nhưng tập hợp lại thật không thể xem thường. Họ có đầy đủ mọi thứ từ kinh tế đến quân sự, khoa học công nghệ, và những nền tảng vững chắc để thoát Nga và chống lại Nga.
Có thể bạn quan tâm
Nước Nga là gì nếu ông Putin đánh bại Ukraine?
05:27, 05/04/2022
Nga suy yếu, lỗi tại Putin hay vì châu Âu?
05:26, 01/04/2022
“Mong manh” chiếc vali hạt nhân của Putin
05:00, 29/03/2022
“Giải phóng Donbass”, Putin đã thất bại?
05:07, 28/03/2022
Joe Biden họp với châu Âu, Putin sắp tiếp chiêu mới?
05:00, 25/03/2022