Bà Pelosi thăm Đài Loan, quan hệ Mỹ- Trung lún sâu căng thẳng
Bất luận Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan với vai trò gì thì quan hệ Trung - Mỹ cũng lún sâu vào căng thẳng.
>>Đối thoại Shangri-La: "Vết nứt" quan hệ Mỹ- Trung ngày một lớn!
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đang có chuyến công du châu Á, điểm đến đầu tiên là Singapore đã hoàn tất, sau đó đến Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Có điều các quốc gia nói trên không phải là đề tài gợi lên sự tò mò của truyền thông quốc tế, mà việc bà Pelosi tới Đài Loan mới gây sóng gió trong quan hệ Mỹ- Trung. Bởi bà Pelosi xác lập tiền lệ - quan chức cao cấp chính quyền Mỹ đến hòn đảo này sau 1/4 thế kỷ.
Quan điểm của đại lục Trung Quốc về vấn đề Đài Loan rất rõ ràng, rằng đó là một phần lãnh thổ trực thuộc không thể tách rời; chỉ duy nhất nhà nước, chính phủ Trung Quốc mới có quyền đại diện cho đường lối đối nội, đối ngoại toàn lãnh thổ.
Bắc Kinh cảnh báo Mỹ “sẽ gánh hậu quả” nếu Chủ tịch Hạ viện tới thăm Đài Loan, thậm chí để ngỏ “hành động quân sự”. “Những người đùa với lửa sẽ bị bỏng”, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Tập Cận Bình nói trong cuộc điện đàm với ông Joe Biden ngày 28/7.
Nhà trắng đáp lại, Mỹ có quyền thăm Đài Loan. Ông John Kirby, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng khẳng định “Mỹ sẽ không sợ Trung Quốc đe dọa”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh đặt câu hỏi trên Twitter: “Chủ tịch Hạ viện Mỹ không phải là một phần của chính phủ Mỹ? Hay Mỹ có nhiều hơn một chính quyền? Chuyến thăm của nhân vật lãnh đạo số 3 tới Đài Loan bằng chuyên cơ có thể được xem như không chính thức?”.
Phía Đài Loan và Mỹ cố tình làm giảm tính chất quan trọng của chuyến thăm của bà Pelosi, có thể được gắn mác “không chính thức” như một công dân Mỹ ghé thăm vài giờ trên hòn đảo và được thủ lĩnh Thái Anh Văn tiếp đón.
Vấn đề không đơn giản như vậy, sự hiện diện của Mỹ là chướng ngại khiến tham vọng thống nhất Đài Loan của Trung Quốc càng mạo hiểm. Đặc biệt tham chiếu tại Đông Âu cho thấy, cuộc chiến tranh hiện đại không còn “một đối một”.
Về mặt chiến lược, Mỹ cần Đài Loan đảm nhiệm vị trí chốt chặn ngay cửa ngõ ra biển của Trung Quốc đại lục. Nói sát hơn, nếu như Đài Loan trở thành căn cứ của Mỹ thì sẽ là căn cứ hiệu quả nhất của Mỹ tại châu Á.
>> Mỹ- Trung "sục sôi" trước thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan
Về phương pháp kiềm chế Trung Quốc, người Mỹ muốn lôi kéo Đài Loan về phía mình, ủng hộ tối đa phong trào đòi ly khai của bà Thái Anh Văn. Thậm chí Washington không cần Đài Loan độc lập thực sự, chỉ cần hòn đảo này chịu đấu tranh tư tưởng, vũ trang sẽ gây ra "ung nhọt" trong lòng Trung Quốc.
Một chuỗi liên hoàn gồm Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, kèm theo vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, chế độ chính trị làm rắc rối thêm nội bộ Trung Quốc, qua đó hạn chế sức mạnh tổng thể quốc gia của Bắc Kinh.
Lần này, thái độ cương quyết của Trung Quốc lại là phép thử nặng đô với Washington, không chỉ chuyến thăm này mà còn các hành động trong tương lai ảnh hưởng đến lợi ích Trung Quốc.
Nếu Mỹ không vượt qua áp lực để bà Pelosi thực hiện chuyến thăm này hẳn sẽ bị đánh giá thấp, đặc biệt thời điểm này chính phủ ông Joe Biden cần hơn lúc nào hết gây dựng niềm tin, hiện thực hóa cam kết “lâu dài” với Đông Nam Á và Đông Á.
Ngược lại, áp lực chuyến thăm của bà Pelosi cũng có nghĩa sẽ xuất hiện nhiều hơn rủi ro một khi Bắc Kinh kiên quyết đáp trả - khẳng định họ có quyền với lãnh thổ Đài Loan.
Có thể bạn quan tâm
"Trận địa" mới trong cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung
04:30, 07/06/2022
Mỹ - Trung lại “hục hặc”…
03:10, 28/11/2021
Mỹ - Trung có thể chung sống hòa bình?
05:30, 18/11/2021
Mỹ - Trung hội đàm để quản lý căng thẳng?
05:31, 16/11/2021
Quan hệ Mỹ - Trung: Những “lớp sóng” không bao giờ yên ả
05:00, 01/10/2021
Bất luận thế nào Mỹ - Trung vẫn cần nhau!
05:30, 24/07/2021
Mỹ - Trung đã “Chiến tranh lạnh” hay chưa?
06:00, 01/07/2021