Chiến sự Nga - Ukraine làm "mong manh" quan hệ Nga- Ấn Độ
Mối quan hệ Nga và Trung Quốc càng bền chặt thì Ấn Độ càng mất thế cân bằng, giữ vững 4.056km biên giới là nhiệm vụ rất nan giải với chính phủ ông Modi.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra hồi giữa tháng 9/2022, Thủ tướng Ấn Độ Narrenda Modi đã nói trực tiếp với Tổng thống Nga Putin rằng: “Tôi biết rằng thời đại ngày nay không phải là thời của chiến tranh và tôi đã nói với ngài trên điện thoại về chuyện này nhiều lần”.
Phát biểu này trùng khít với quan điểm của Ấn Độ về tình hình Đông Âu. Nếu tại các cuộc bỏ phiếu trước đây tại Liên Hợp Quốc, New Delhi chọn “phiếu trắng”, thì tại cuộc bỏ phiếu ngày 16/9, Ấn Độ đã bỏ phiếu chống Nga về chiến sự ở Ukraine.
Truyền thông phương Tây coi đây là động thái tỏ rõ lập trường của New Delhi kể từ khi khủng hoảng Nga - Ukraine xảy ra. Thực tế đã như vậy, ông Modi đã thay đổi thái độ ngoại giao với Nga và cả Trung Quốc khi tình hình chiến sự diễn ra theo hướng có lợi cho Ukraine.
Bắt đầu từ quan hệ Trung - Ấn, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ chính sách bành trướng lãnh thổ với láng giềng, người Ấn chưa thể xếp ngang hàng Trung Quốc về tương quan sức mạnh, họ cần Nga để đối trọng, điển hình là mua vũ khí Nga để duy trì quan hệ.
New Delhi là khách hàng vũ khí lớn nhất thế giới của Nga. Trong vòng 3 năm từ 2018 - 2021, Ấn Độ đã chi 5,51 tỷ USD trang bị khí tài cho 1,38 triệu người trong quân đội, gồm xe tăng và súng trường Kalashnikov, máy bay chiến đấu Sukhoi và trực thăng vận tải Mi-17, tàu sân bay INS Vikramaditya, S400 do Nga sản xuất.
Lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga vô tình khiến quân đội Ấn Độ gặp khó khăn liên đới, thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế, bảo trì kho vũ khí khổng lồ. New Delhi đang mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vũ khí khác, ngoài Nga.
Việc Ấn Độ dựa vào quan hệ với Moscow để duy trì cân bằng với Bắc Kinh - giờ đây không còn nhiều ý nghĩa, nhất là khi Nga và Trung Quốc liên tục khẳng định “tình bạn không giới hạn”. Moscow càng kéo dài chiến tranh, càng hao tổn nguồn lực, khả năng phụ thuộc Trung Quốc ngày một chặt hơn.
Mặt khác, giữ khoảng cách với Nga là hiện tượng bắt đầu xuất hiện, kể cả Trung Quốc, phản ánh sách lược ngoại giao thức thời, tách mình ra khỏi cuộc chiến của Putin - đang mất dần ưu thế ở Ukraine.
Về cơ bản, New Delhi theo đuổi chính sách ngoại giao ôn hòa đa liên kết, không mặn mà với các liên minh có xu hướng nhằm vào bên thứ ba. Nhưng điều này dường như đã thay đổi khi Washington công bố “xoay trục châu Á - Thái Bình Dương”.
Ấn Độ là thành viên của “Bộ tứ kim cương” (QUAD) - nhóm này ngày càng được coi là đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực. Vì như vậy, quan hệ của Trung Quốc với từng thành viên bộ tứ đang căng thẳng về nhiều vấn đề.
Hindustan Times, tờ báo có ảnh hưởng rất lớn ở quốc gia Nam Á đề xuất: “New Delhi cần phải nỗ lực hơn nữa trong mối quan hệ đối tác với Mỹ, QUAD... và trở thành một phần của bất cứ nhóm nào tìm cách kiềm chế quyền lực Trung Quốc”.
Ấn Độ vốn thận trọng trong việc nồng ấm hơn với phương Tây, luôn tìm cách duy trì mối quan hệ vô cùng phức tạp với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng, trật tự toàn cầu thay đổi sâu sắc. Đây có thể là thời điểm thích hợp để xoay trục.
Có thể bạn quan tâm
Nga - Trung - Ấn "vẽ lại" trật tự mới về năng lượng?
04:30, 09/06/2022
Chiến sự Ukraine và thử thách tình bạn Nga - Trung
05:14, 07/06/2022
Nga - Trung sẽ bắt tay thanh toán quốc tế như thế nào?
04:50, 18/03/2022
Liên minh Nga - Trung nhìn từ Ukraine
05:15, 15/02/2022
Nga - Trung có vẻ đã trở thành liên minh chống Mỹ!
06:30, 28/06/2021
Nga - Trung có vẻ đã trở thành liên minh chống Mỹ!
15:32, 27/06/2021
Hiếm khả năng Nga - Trung liên minh quân sự
06:40, 09/04/2021
Mỹ làm "cầu nối" thắt chặt quan hệ Nga - Trung
05:00, 22/03/2021