Vĩnh Phúc: Hướng đến mục tiêu kinh tế tri thức và kinh tế số
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ tới là hướng đến một nền kinh tế tri thức và kinh tế số.
Ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ tại cuộc họp báo tuyên truyền Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 1/10.
Để thực hiện muc tiêu này, ông Thành cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá.
Nhấn mạnh về 3 khâu đột phá, theo ông Thành, đột phá thứ nhất và cũng là thông điệp báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tìm mọi cách khai thông, giải phóng và huy động mọi nguồn lực để tạo ra nguồn lực mới nhằm đưa kinh tế và phát triển xã hội của Vĩnh Phúc cùng đi lên.
Đột phá thứ hai, tập trung cho con người và an sinh xã hội để đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành địa phương văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt nhất.
Đột phá thứ ba, thay đổi căn bản hệ tư duy lạc hậu bằng cách nghĩ, cách làm, đồng thời hun đúc khát vọng, ý chí, tâm huyết của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trong tầng lớp cán bộ công chức.
Vẫn theo Phó Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, chủ đề trong báo cáo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 là những nội dung đã được chắt lọc kỹ lưỡng và có những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa, ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ hành động.
Chủ đề có 4 thành tố rất cụ thể và rõ ràng. Thành tố thứ nhất, xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là yêu cầu bắt buộc tỉnh Vĩnh Phúc phải thực hiện.
Thành tố thứ hai, tăng cường đoàn kết , phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương đổi mới sáng tạo. Thành tố này bao trùm lên tất cả các mục tiêu Vĩnh Phúc tiến hành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Thành tố thứ ba, phát triển toàn diện, nhanh, bền vững.
Thành tố thứ tư, xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh và văn minh.
Để đạt được những mục tiêu này, thì trước đó Vĩnh Phúc cũng đã có một nền tảng bền vững trong nhiệm kỳ 2015-2020, đó là kinh tế luôn được duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 7,1%/năm, bình quân cả nước 6,7%. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cả nước là 5,8%/năm.
Sức cạnh tranh và quy mô kinh tế ngày càng lớn. Năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015, chiếm 1,7% GDP cả nước. Đặc biệt, công nghiệp đóng góp tới 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, thu ngân sách bình quân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm và Vĩnh Phúc luôn đứng top đầu cả nước về thu nội địa và là 1/16 tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về trung ương với 47%.
Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt trên 5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trong nước đạt 56.474 tỷ đồng, tương đương 2,4 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với mục tiêu đề ra (14.000-15.000 tỷ đồng), gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2011-2015 (24.977 tỷ đồng).
Vốn FDI đạt 2,857 tỷ USD, gấp 2 lần mục tiêu (1,3-1,5 tỷ USD) và gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015 (1,429 tỷ USD). “Điều này cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cũng như tiềm năng phát triển của Vĩnh Phúc là rất lớn”, ông Thành khẳng định.
Hạ tầng công nghiệp tiếp tục được đầu tư phát triển, với việc triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, đưa Vĩnh Phúc tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Đánh giá về những thành công trong thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, ông Thành cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quyết liệt và liên tục cải cách chính sách thu hút đầu tư nên đã có được thành công như ngày hôm nay.
“Kinh nghiệm lớn nhất là phải đặt ra mục tiêu rõ ràng về thu hút đầu tư, từ nghị quyết, chính sách, quy hoạch trong thu hút đầu tư. Đơn cử, trong cả nhiệm kỳ 2015-2020, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh thành công thì nghị quyết đầu tiên được ban hành là cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nghị quyết số 2 của Ban chấp hành tỉnh ủy được ban hành cũng là nghị quyết về thu hút đầu tư. Tất cả các nghị quyết về y tế, giáo dục…cũng đều có nội hàm liên quan đến thu hút đầu tư trong lĩnh vực đó”, ông Thành nói.
Chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch, theo ông Thành, Vĩnh Phúc đã xây dựng và quy hoạch bài bản, cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, quy hoạch các khu công nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc được đánh giá là có dư địa tốt nhất.
“Các khu công nghiệp đã được Vĩnh Phúc quy hoạch từ năm 2004 cho đến nay với 19 khu công nghiệp, nhưng mới đang triển khai 9 khu, 10 khu còn lại là dự địa để dành cho nhiệm kỳ tới”, ông Thành nói.
Nhận xét về những mong muốn của các nhà đầu tư đến với tỉnh Vĩnh Phúc, ông Thành thẳng thắn, họ cần cơ chế chính sách tốt, đất sạch, sự thông thoáng và thái độ của chính quyền. Với các yêu cầu này, ông Thành khẳng định Vĩnh Phúc đã chuẩn bị đầy đủ.
“Cho đến thời điểm hiện nay, so với Hà Nội hay TP.HCM, Vĩnh Phúc vẫn còn quỹ đất sạch lớn nhất để dành cho thu hút đầu tư”, ông Thành cho biết.
Trao đổi về quan điểm của chính quyền đối với các nhà đầu tư, Phó Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Lê Duy Thành tái khẳng định: “Nhà đầu tư đến đến với Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của của nhà đầu tư, sản phẩm của nhà đầu tư là thành công và là sản phẩm của Vĩnh Phúc”.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 24/9: Vĩnh Phúc đầu tư nút IC2, IC5 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai
20:01, 24/09/2020
Vĩnh Phúc: Chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững
04:00, 21/09/2020
Dự thảo Báo cáo chính trị tỉnh Vĩnh Phúc: Sản phẩm của “người thật, việc thật”
18:15, 19/09/2020
Vĩnh Phúc: Chủ động cung ứng hạ tầng, đón FDI
14:11, 31/08/2020
HHDN Vĩnh Phúc hiện thực hoá mục tiêu nhiệm kỳ IV
12:04, 27/08/2020
Nữ Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: Luôn trăn trở tìm hướng đi mới
09:10, 27/08/2020
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: Chính quyền trao tin tưởng, doanh nghiệp đặt lòng tin
15:05, 26/08/2020