24h

Quản lý “cơn lốc” hàng hóa giá rẻ trên nền tảng thương mại điện tử

Yến Nhung 30/10/2024 00:30

"Cơn lốc" hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua sàn giao dịch thương mại điện tử đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước cần phải “bịt” lỗ hổng trong quản lý thương mại điện tử.

Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam có sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các chợ, siêu thị và các kênh phân phối trực tuyến đều tràn ngập hàng hóa đến từ quốc gia này. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp hàng giá rẻ, hàng Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, kích thước và nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt đối với hàng nội địa.

go-bo-1663-gian-hang-voi-6437-san-pham-vi-pham-tren-thuong-mai-dien-tu (1)
Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam có sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - Ảnh minh họa: ITN

Đơn cử như, mới đây, Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings đã mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người tiêu dùng Việt Nam. Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế, điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Đáng nói, không chỉ Temu, bằng các nền tảng số và thương mại điện tử khác như Tiktok Shop, Shopee, Lazada, Shein, Taobao, 1688… doanh nghiệp Trung Quốc lập các kho hàng ở khu vực biên giới hoặc có kho hàng ngay tại Việt Nam.

Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về "cơn lốc" hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua sàn giao dịch thương mại điện tử, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải “bịt” lỗ hổng trong quản lý thương mại điện tử. Bởi, khi các loại hàng hóa đó ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, gây mất công bằng với sản xuất nội địa trong kinh doanh và thất thu thuế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.

tamu_anh scmp (1)
"Cơn lốc" hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua sàn giao dịch thương mại điện tử đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải “bịt” lỗ hổng trong quản lý thương mại điện tử - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương về các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả và thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã nêu rõ những vi phạm của các nền tảng này, đặc biệt là các chương trình quảng cáo và khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Theo Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá trị trước thời gian khuyến mãi. Việc vi phạm này không chỉ gây hại cho quyền lợi người tiêu dùng, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Để giải quyết tình trạng này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Công Thương ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm việc áp dụng biện pháp chế tài, tạm ngừng hoặc đình chỉ hoạt động của các nền tảng vi phạm nhiều lần.

Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất tăng cường kiểm tra sự tuân thủ của các sàn thương mại điện tử quốc tế, tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc ban hành các quy định về thuế quan và thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử cũng là điều cần thiết. Điều này, nhằm đảm bảo các nền tảng phải tuân thủ quy định về thuế, đảm bảo quyền lợi cho ngân sách quốc gia và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp nội địa.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, kết nối với các đối tác quốc tế, tham gia các hội chợ thương mại điện tử, triển lãm trực tuyến toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới…

Được biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Văn bản số 8598/BCT-TMĐT ngày 26/10/2024 chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu lãnh đạo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam ngay trong tháng 10 này; chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu, yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp…

Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong tháng 10/2024, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.

Cục Xúc tiến thương mại được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quản lý “cơn lốc” hàng hóa giá rẻ trên nền tảng thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO