Nhằm hướng tới số hoá các điểm đến du lịch, TP.Đà Nẵng sẽ tập trung nâng cấp công nghệ thực tế ảo VR360 để gia tăng tiện ích cho du khách bằng nền tảng thương mại điện tử.
>>Đà Nẵng tìm công nghệ cho xử lý rác thải
Sau 1 năm triển khai giai đoạn 1 chương trình “Trải nghiệm du lịch Đà Nẵng trên không gian số” đã có hơn 18.000 lượt khách du lịch trải nghiệm. Việc này cho thấy công cuộc số hóa các điểm đến du lịch tại địa phương đang có nhiều tiến triển tích cực.
Trong năm 2022, dự án “Một chạm đến Đà Nẵng” sẽ được nâng cấp phiên bản với một sự tích hợp giữa công nghệ VR360 và không gian metaverse với độ chính xác như ngoài đời thực. Thông qua đó tiếp cận khách hàng trên toàn cầu, không giới hạn số lượng, thời gian và tối ưu ngân sách sẽ mang đến một trải nghiệm toàn diện dành cho người dùng.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết trong năm 2022 thành phố sẽ gia tăng hầu hết các điểm đến. Đồng thời, tăng thêm tính năng mới trên VR 360 trong thời gian tới.
“Đây là một định dạng hoàn toàn khác so với năm 2021 chúng tôi sẽ kết hợp với các đối tác để tích hợp nền tảng đa vũ trụ ảo. Mertaverse là công nghệ của tương lai và du lịch Đà Nẵng là một trong ngành du lịch đầu tiên của Việt Nam áp dụng công nghệ tương lai này trong việc quảng bá, xúc tiến đến với du khách nội địa và quốc tế”, bà An thông tin.
Được biết, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai các nhóm hoạt động như nâng cấp, bổ sung giai đoạn 2 công nghệ thực tế ảo VR360 các điểm tham quan (Bà Nà, bảo tàng, suối khoáng nóng núi Thần Tài,).
Cùng với đó, phát triển video định dạng 360 chân thực đến từng chi tiết các hoạt động trải nghiệm, ra mắt không gian vũ trụ ảo “Metaverse Đà Nẵng” với nền kinh tế không tiếp xúc như tự thiết lập tài khoản trong môi trường ảo, giao tiếp, kết nối với giao diện nhân vật 3D, tương tác bằng giọng nói, triển lãm thực tế ảo không giới hạn tại không gian VR Mall,...
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tour việc ứng dựng công nghệ số vào lĩnh vực du lịch sẽ đưa hình ảnh, sản phẩm du lịch tiếp cận với thế giới nhanh hơn và toàn diện hơn. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần phải số hóa, ứng dụng công nghệ.
“Chuyển đổi số trong du lịch là xu hướng đúng và cần đẩy mạnh, chính quyền cần hỗ trợ, gắn kết giữa các công ty công nghệ số và các doanh nghiệp nhằm ứng dụng được công nghệ số ở mức độ phù hợp. Thông qua đó mở rộng quảng bá, tiếp cận khách hàng cũng như giảm được chi phí quản lý, vận hành”, ông Nguyễn Ngọc Anh nói.
Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết du lịch Đà Nẵng đã và đang tăng cường việc liên kết hợp tác công tư không chỉ trong nhóm dịch vụ du lịch mà còn hướng đến việc chuyển đổi phương thức truyền thông, xúc tiến, quảng bá điểm đến thông qua số hóa du lịch. Đồng thời, tăng cường tần suất hiện diện trên hệ thống các kênh truyền hình hàng đầu, hình thành và gia tăng tiện ích về trải nghiệm du lịch thông minh đối với du khách trong nước cũng như du khách quốc tế.
“Du lịch Đà Nẵng đang tiếp cận gần hơn với các thị trường trọng điểm, tiềm năng và mở ra phương thức truyền thông, xúc tiến, quảng bá mới thông qua việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp về lĩnh vực truyền thông và công nghệ số. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước và gia tăng hiệu quả các chiến dịch quảng bá điểm đến của du lịch trong thời gian đến”, ông Tán Văn Vương cho hay.
Có thể bạn quan tâm