Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những phát biểu mạnh mẽ, dứt khoát về thực trạng lãng phí trong quản lý đầu tư công, đất đai, và điều hành chính sách.
Lời khẳng định "đã bắt được bệnh lãng phí và đang hoàn thiện thể chế để chữa bệnh" không chỉ là phát biểu mang tính chẩn đoán, mà còn thể hiện quyết tâm "ra toa", tiến hành "phẫu thuật" thể chế để giải phóng các nguồn lực đang bị “chôn vùi” bởi thủ tục, cơ chế lạc hậu.
Trong nhiều năm qua, lãng phí - đặc biệt trong đầu tư công - là một trong những vấn đề nhức nhối, gây tổn thất nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước, cản trở sự phát triển bền vững và làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào hiệu quả quản trị. Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng dùng cụm từ “đã bắt được bệnh”, một cách ví von cho thấy Chính phủ đã nhận diện rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí dai dẳng.
Theo số liệu được chính Thủ tướng nêu ra, hiện cả nước có hơn 2.200 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, không thể triển khai hoặc triển khai dang dở. Tổng nguồn lực bị “đóng băng” lên tới 230 tỷ USD, tương đương 50% GDP quốc gia - một con số khổng lồ khiến bất cứ nền kinh tế nào cũng phải giật mình. Không chỉ là gánh nặng tài chính, các dự án "đắp chiếu" còn là biểu tượng của sự kém hiệu quả, trì trệ, làm giảm sức cạnh tranh quốc gia.
Trước vấn đề nan giải này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng giải pháp không thể chỉ dừng lại ở việc xử lý cá nhân sai phạm hay hô hào chống lãng phí, mà quan trọng hơn cả là đổi mới thể chế, rà soát toàn bộ quy trình, luật lệ, chính sách đang làm chậm trễ hoặc làm lệch hướng các quyết sách đầu tư.
“Chúng tôi đang xây dựng chính sách, không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có cách xử lý về thể chế, về tổ chức” - lời khẳng định cho thấy tư duy thực tiễn, cầu thị và quyết liệt trong hành động. Chữa bệnh lãng phí không thể bằng các biện pháp nửa vời, mà cần nhìn thẳng, nói thật, làm thật, kể cả phải “chịu đau, chịu mất mát” như lời người đứng đầu Chính phủ.
Trong giải quyết các dự án tồn đọng, Thủ tướng thừa nhận “không thể thu về 100%, phải chấp nhận mất mát”. Điều này đòi hỏi cái nhìn thực tế, tránh chủ nghĩa hoàn hảo mà không hành động, đồng thời đòi hỏi sự đồng thuận, chia sẻ từ các cấp chính quyền và nhân dân. Mỗi thiệt hại là một “khoản học phí” – một khái niệm đầy hình tượng mà Thủ tướng dùng để nhấn mạnh rằng, bài học từ lãng phí là bài học xương máu cho cải cách thể chế.
Không chỉ dừng ở đầu tư công, Thủ tướng còn chỉ rõ bất cập trong quản lý đất đai, nhất là đất nông, lâm trường. Từng là công cụ phát triển quan trọng, nhưng do thiếu chính sách phù hợp, nhiều khu đất nay trở thành gánh nặng quản lý, tiềm ẩn tranh chấp và kìm hãm khai thác hiệu quả. Cũng như các dự án đầu tư công, thể chế chậm thay đổi đã dẫn đến hậu quả về cả pháp lý và thực tiễn .
Từ thực tiễn này, Thủ tướng nhấn mạnh: thể chế phải thay đổi để phù hợp với điều kiện mới, tránh tình trạng “thực tế chạy trước, luật đi sau”. Chính điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về cải cách luật pháp, chính sách.
Một điểm đáng chú ý khác được Thủ tướng đề cập là lãng phí trong tổ chức bộ máy và sử dụng tài sản công. Trong quá trình tinh gọn bộ máy, nhiều trụ sở dôi dư nhưng không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí ngân sách và nguồn lực xã hội. Đây là những “khoảng trống” quản trị cần sớm được lấp đầy bằng cơ chế sử dụng linh hoạt, chuyển đổi công năng phù hợp với nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, lãng phí cơ hội do thủ tục hành chính rườm rà cũng là một điểm nghẽn lớn. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu mất quá nhiều thời gian cho thủ tục, thì có khi cơ hội cũng trôi qua mất. Đây là lời cảnh báo đáng suy ngẫm, khi Việt Nam đang cần tận dụng mọi cơ hội đầu tư, phục hồi kinh tế sau đại dịch và thích ứng với biến động toàn cầu.
Một vấn đề quan trọng khác được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là không thể nói phân cấp, phân quyền mà không phân bổ nguồn lực. Nếu địa phương được trao quyền nhưng không có ngân sách, cơ chế đi kèm, thì phân cấp chỉ là hình thức. Thủ tướng đề xuất rõ ràng: “Cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp”. Đây là quan điểm tiến bộ, đồng thời đặt ra yêu cầu cao về năng lực quản trị và trách nhiệm giải trình ở từng cấp chính quyền.
Bối cảnh hiện nay đòi hỏi một cuộc "đại phẫu" về thể chế, từ tư duy quản lý, quy trình thủ tục đến hệ thống luật pháp. Việc chống lãng phí không còn là việc “tiết kiệm từng đồng”, mà là khai phóng toàn bộ tiềm năng phát triển đang bị kìm hãm bởi sự chồng chéo, trì trệ.
Thể chế chính là “cơ thể” của một nền kinh tế. Một khi đã xác định rõ khối u – tức những bất cập trong luật pháp, chính sách – thì phải quyết đoán “phẫu thuật”, kể cả khi phải chịu mất mát. Bởi nếu không làm, cơ thể kinh tế sẽ ngày càng suy kiệt, không đủ sức cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu.
Quyết tâm “trị bệnh lãng phí bằng thể chế” của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tín hiệu tích cực cho một giai đoạn cải cách mới. Điều cần lúc này là hành động cụ thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm từ trung ương đến địa phương. Bởi lẽ, thể chế chỉ phát huy hiệu quả khi nó được thực thi một cách thực chất – chứ không phải chỉ là khẩu hiệu.
Nếu thành công, đây sẽ là một bước ngoặt lớn, không chỉ giúp giải phóng hàng trăm tỷ USD đang bị “chôn vùi”, mà còn khơi thông dòng chảy phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.